Multimedia Đọc Báo in

Đi tìm hương thu

16:29, 28/09/2023

Vì không thể chủ động được nguồn nước tưới nên quê tôi chỉ làm lúa vụ 10 (tháng 10 mới thu hoạch) chứ không phải hè thu như nhiều địa phương khác.

Tôi nhớ như in, khi những đợt gió heo may thổi về cũng là lúc thời tiết chuyển mùa rõ rệt. Một ngày mới bắt đầu bằng màn sương mai dày đặc. Trong cái se lạnh ấy, chúng tôi đến trường với chiếc áo mưa mẹ chắp vá nhiều mảnh.

Sương dày che khuất mọi tầm nhìn, phủ kín lên mí mắt, lên tóc, làm cho hai gò má ướt đẫm, ửng đỏ. Những đôi bàn tay tuổi xuân thì co lại, tuy không đến nỗi tê buốt nhưng cũng làm cho những nét chữ đầu ngày thêm phần nguệch ngoạc.

Tầm 9 giờ, khi mặt trời lên cao, ánh nắng đủ lớn mới xua tan được màn sương mờ ảo buổi ban mai ấy. Rồi trời nóng dần và đỉnh điểm đến giữa trưa thì cái oi nồng, cái nực nội của mùa thu vẫn khiến con người bứt rứt, khó chịu. Khi đám mây cuối trời lớn dần, đủ làm cho ánh nắng nhàn nhạt theo cũng là lúc những cơn gió heo may khô khốc, se lạnh ùa về…

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Đám trẻ chúng tôi, sau khi tan học thì phụ giúp việc gia đình theo phân công và khả năng. Đứa thì quang gánh ra đồng cắt cỏ cho trâu. Đứa thì men theo bờ ruộng lớn, hì hục đào những con giun đỏ sẫm, mập mạp về “cải thiện chất tanh” cho vịt dễ đẻ trứng. Hương mùa thu chính là mùi của nhựa cỏ non vừa cắt phảng phất trong gió thoảng.

Mùi tanh nồng của những con giun được móc ra từ đất. Mùi hương ấy cũng chính là mùi lúa non đang trổ đòng. Khi mặt trời xuống núi, sương chiều giăng khắp cánh đồng quê cũng là lúc những đàn cá trong đám ruộng đi ăn đêm. Chúng theo con nước trong ruộng, men ra những con mương, vũng nước giữa đồng. Cá mùa này mềm, béo bởi thức ăn của chúng là những bông hoa lúa vừa kịp trổ đòng, rụng xuống trôi tràn trên mặt nước.

Cái cảm giác bắt gặp những con cá rô, cá lóc đồng nằm lờ đờ dưới mặt nước, lẩn mình dưới đám cỏ ven bờ mương và như bị thôi miên bởi ánh đèn soi thật là vui sướng! Thành quả những con cá béo tròn, chắc nịch cũng chính là thức ăn của cả gia đình ngày hôm sau. Cá rô đồng nướng qua than củi, mẹ ướp với nước tương bần kèm một ít khế chua rải đều bên trên.

Dưới ngọn lửa liu riu, nồi cá đồng kho khế của mẹ tỏa hương thơm ngào ngạt. Chỉ cần nghe thanh âm nồi cá sôi lục sục là đã có thể chép miệng mường tượng về một bữa cơm sum vầy, ấm cúng. Không nhiều gia vị, thậm chí mẹ cố tình thêm muối cho mặn để “còn dành cho bữa mai” nhưng có lẽ đó là nồi cá kho ngon nhất tôi từng ăn. Nó gói gém trong đó biết bao hương vị. Là mùi hương lúc đất trời chuyển sang thu, mùi lúa non đang trổ đòng, hay mùi của tình yêu thương, bảo bọc trong những lo toan, chật vật…

Tôi đi ngược ra cánh đồng lúa trước làng. Những bờ ruộng lớn năm xưa nay đã được đắp thành những con đường xương cá chạy dọc ngang khắp đồng lúa, giúp nông dân kéo xe phân vào tận đám ruộng của mình, các mẹ, các chị không còn phải gánh quảy từng rổ phân chuồng kĩu kịt trên vai. Mùa thu hoạch, thanh niên trai tráng không còn phải dùng đòn xóc gánh lúa, trầy trật men theo bờ ruộng nhấp nhô để tập kết lúa trên đường.

Kinh tế phát triển, thủy lợi được đầu tư, người ta đã chuyển sang vụ hè thu. Mùa lúa tháng 10 vĩnh viễn trở thành quá khứ. Một mình đứng giữa mênh mông gió thoáng, nơi những đám ruộng còn trơ gốc rạ, tôi hít thật sâu để tìm lại mùi hương năm ấy. Nó vẫn phảng phất đâu đây ký ức thanh xuân của đám bạn mới lớn, những hương vị, âm thanh trong trẻo của quê hương...

Phan Chung


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm