Tấu khúc dã quỳ vàng
Không biết từ bao giờ, hoa dã quỳ đã khiến những ai nhìn thấy đều cảm thấy thích thú trước vẻ đẹp hoang sơ vàng một màu chân chất của nó.
Tôi nhớ mãi lần đầu tiên nhìn thấy hoa dã quỳ. Đó là một buổi sáng lần đầu tôi đến Đà Lạt, đang lang thang dưới chân Đồi Cù thì chợt nhận ra từ xa một khoảng không gian sáng bừng. Ban đầu tôi tưởng như đó là ráng vàng bình minh của chân trời hứa hẹn một ngày đầy gió; nhưng chợt nhớ ra nắng đã leo lên các nhánh thông. Khi đến gần hơn, mới nhận ra một dãy hoa dã quỳ nở tưng bừng vàng tươi trong nắng. Hỏi một em gái đang đi bộ ngược chiều, cặp sách e ấp trên khuôn ngực rằng phải hoa dã quỳ không? Em nhìn tôi, mỉm cười với khách lạ ngô nghê, dạ đúng rồi anh. Đó là giây phút tôi bừng ngộ về dã quỳ.
Hồi ấy không thể ghi lại một kiểu ảnh cho lần hạnh ngộ dã quỳ, nhưng mãi mãi trong tôi không bao giờ có thể phai mờ hình ảnh của không gian rực vàng dã quỳ sáng ấy dưới chân Đồi Cù.
Đường đến giảng đường Trường Đại học Đà Lạt ngập sắc hoa dã quỳ. Ảnh: Anh Nguyên |
Dã quỳ là loài hoa biểu tượng cho tình yêu, sức sống mãnh liệt, vì vậy nó được yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới. Đây là tôi đang nói về hoa dã quỳ vàng, bởi trên hành tinh còn có dã quỳ xanh và trắng nữa. Cùng với thời gian đô thị hóa, những bông hoa dã quỳ vàng rực rỡ nở rộ không chỉ trên những đồi núi hoang vu, thảo nguyên rộng lớn mà còn tung tẩy trên các cung đường đô hội. Với sự tươi mới và độc đáo của nó, hoa dã quỳ đã trở thành biểu tượng của sự tự do, tinh thần phiêu lưu và hy vọng, tỏa sắc đẹp hoang dã, giống như tinh thần không bị kiềm chế của nhân loại. Với hương sắc như nhiên, hoàng hoa dã quỳ như có thể bay lượn với cánh chim, chạm tay vào những giấc mơ, đón nhận những thách thức và mang lại cho thế giới xung quanh mình những cảm xúc vô cùng diệu vợi. Tạo hóa đã ban tặng hoa dã quỳ vẻ đẹp mê hoặc, không cần sự chỉnh chu hay trang điểm, như một bản giao hưởng thiên nhiên của bản Sonata violin số 5 của nhạc sĩ thiên tài Ludwig van Beethoven mà giai điệu thể hiện một tinh thần cách tân táo bạo đang tràn đầy luôn tìm cách phá vỡ những khuôn mẫu xưa cũ…
*
Mỗi cuối năm, hoa dã quỳ lại tưng bừng vàng nở trên các nẻo đường Đắk Lắk, hay Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông… Người người lại thi nhau kéo về các cánh rừng hoa, các con đường đất đỏ để được tha hồ ngắm dã quỳ. Những con sông, những con thác xinh đẹp như thác Dray Sáp, Dray Nur… (Đắk Lắk); những vùng ngoại ô Trại Mát, Cầu Đất, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương (Lâm Đồng) ngập ngời những đại cảnh hoa dã quỳ bất tận.
Cung đường Cầu Đất - Dran - thị trấn Đơn Dương - Phi Nôm cũng là cung đường ấn tượng của dã quỳ vàng. Ở Dran, tôi có một kỷ niệm. Năm 2013, lúc đó còn ở Gác Trịnh (Huế), tôi mời họa sĩ Đinh Cường về triển lãm. Sau cuộc bày tranh cùng với họa sĩ Phan Ngọc Minh tại Gác Trịnh (ngày 22/11/2013), hoạ sĩ Đinh Cường và Phan Ngọc Minh lên bày tranh ở Đà Lạt (28/11/2013). Ông tìm đến Cà phê Tùng, nơi hơn 40 năm trước ông thường ngồi với Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện, Phạm Nhuận, Nguyễn Xuân Hoàng… Rồi họa sĩ Đinh Cường muốn về thăm lại Lạc Lâm xưa. Bên bóng nhà thờ Dran, nghe tiếng lọc cọc ngựa thồ. Hàng chục năm trước, họa sĩ Đinh Cường đã sống ở Dran, trong ngôi nhà gỗ thơm mùi nhựa thông giữa núi rừng hoang vu. Người bạn tri kỷ của ông là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc bấy giờ đang dạy học ở B’Lao, cách xa hơn trăm cây số, nhưng cứ vào dịp cuối tuần là nhảy xe đò đến Dran sống cùng bạn. Cả hai có những ngày lắng trong núi đồi Lạc Lâm huyền mặc với những vườn cây trái trĩu quả, nằm co ro ngắm mưa Lạc Lâm, Kado, nghe gió Dran ào qua khe núi… Nơi đó, ở bưu cục Dran, ông có những lần cùng Trịnh Công Sơn đến để nhạc sĩ họ Trịnh gửi những bức tình thư về Huế cho Dao Ánh. Bây giờ dưới ngọn đồi Lạc Lâm, trước nhà thờ xưa đó trên đỉnh đồi Golgotha, trước bưu cục Dran, hoạ sĩ Đinh Cường đến đó, đứng một mình trong khuya vắng. Ông có một bữa cơm cuối cùng ở Dran, với Bửu Ý bạn ông và một số người nữa. Bạn bè nói đêm đó ông gần như lặng im, ông đang ăn hoài niệm, đang uống quá khứ. Và ông nói: Mình nhớ Sơn…
Tôi, một năm sau khi họa sĩ Đinh Cường qua đời đã về Dran, đứng trước bưu cục Dran, hình dung ra hình ảnh Đinh Cường đứng nơi đây nhớ bạn. Tự nhiên tôi ước mình là họa sĩ, để vẽ lại không gian bưu cục Dran, có hình bóng Trịnh Công Sơn và Đinh Cường cùng với rất nhiều ánh mắt dã quỳ đang chứng kiến về một tình cảm bạn bè quá đẹp.
Dã quỳ ơi, đẹp nhất ở đâu, là khi mà ta và bạn bè có những kỷ niệm trên các cung đường lang bạt…
Hồ Đăng Thanh Ngọc
Ý kiến bạn đọc