Multimedia Đọc Báo in

“Những con chữ mẩy vàng hạt giống”

07:08, 28/01/2024

Từ những năm 1969, 1970, tôi đã được đọc thơ của Nguyễn Đức Mậu trong mục “Thơ Bộ đội” của Báo Nhân Dân.

Ngay từ ngày ấy, tôi đã yêu mến thơ Nguyễn Đức Mậu, bởi hình ảnh chiến trường với cuộc sống gian khổ, hiểm nguy, những người lính đầy lòng quả cảm khi đối mặt với kẻ thù được anh thể hiện bằng những câu thơ giản dị mà đầy cảm xúc: “Người binh nhất ngồi trong hố cá nhân/ Mồm nhai lương khô/ Mắt dần khép lại/ Anh vừa ăn vừa ngủ”; hay “Người nằm nghiêng súng cũng nằm nghiêng/ Người ngủ ngồi súng ôm ghì trước ngực”.

Đến năm 1971, được đọc bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” của anh in trên Tạp chí “Tác phẩm mới” của Hội Nhà văn Việt Nam, thì lòng cảm mến đối với thơ Nguyễn Đức Mậu trong tôi đã chuyển thành cảm phục, cảm phục trước một tầm vóc thơ, cao về nồng độ cảm xúc, sâu về nghệ thuật và tư tưởng. Bài thơ viết về một lần anh cùng đồng đội khiêng xác một người bạn (hy sinh trong trận đánh ở chiến trường Lào) đi mai táng. Nỗi bi thương lớn đã cho anh một cảm xúc lớn và một tứ thơ độc đáo, nhờ đó mà “Nấm mộ và cây trầm” sống mãi với thời gian: “Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn/ Cây trầm cháy dở thay nén nhang/ Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm/... /Đất Hùng nằm bom đạn đào trơ/ Ngày hoa nở đêm ngời sao tỏ/ Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ/ Thành bàn tay chỉ hướng quân thù”. Chính từ bài thơ này và chùm thơ đoạt giải Nhất Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 1972 - 1973, Nguyễn Đức Mậu được giới phê bình văn học bắt đầu chú ý. Từ đó, thơ anh càng có tầm lan tỏa lớn và trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

 

Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975), Nguyễn Đức Mậu tiếp tục cho ra đời một loạt tập thơ, trường ca, như “Áo trận” (1976), “Mưa trong rừng cháy” (1976), “Trường ca Sư đoàn” (1980), “Bão và sau bão” (1994), “Cánh rừng nhiều đom đóm bay” (1998), “Mở bàn tay gặp núi” (2008), “Thơ trong lòng cuộc chiến” (2010)...  Lấy hiện thực chiến trường và cuộc sống xã hội làm bối cảnh, nhen nhóm và bùng nổ cảm xúc từ những gì bản thân trải nghiệm qua nhiều chiến trường khốc liệt, qua nhiều cảnh ngộ của xã hội mà anh đã suy nghĩ sâu sắc và sống hết mình với nó; với lối viết đặc tả cảnh huống thật, hình ảnh thơ sắc nét, Nguyễn Đức Mậu đã cho ra đời “hàng ngàn câu thơ trận mạc” (ý kiến của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý) và hàng trăm bài thơ thế sự, trữ tình khiến người đọc xúc động đến nhói lòng, hoặc xót xa đến khó ngủ.

Anh viết về người chiến sĩ chết khát trong cánh rừng mùa khô: “Chiếc bi đông nằm im lìm mặt đá/ Nằm im lìm bên dòng suối cạn khô/ Tôi tìm thấy tên người chết khát/ Con chữ thân yêu vết khắc chưa mờ”. Anh viết về tình cảnh chiến sĩ bị đói trong rừng già: “Tổ ba người chung một căn hầm/ Chung cái đói trũng sâu quầng mắt/ Đêm giá lạnh núi gầy, trăng nhạt/ Cái dạ dày không để chúng tôi yên”. Anh viết về sự khốc liệt, tình huống éo le của những trận chiến: “Bầy chuột đêm tìm ăn/ Vô tư theo kiểu chuột/ Tiếng rúc rích lại gần/ Vỏ ống bơ, đồ hộp/ Chúng gặm cả mũi giày/ Năm mươi ngày ngập nước/ Chúng gặm vai áo rách/ Năm mươi ngày dầm mưa/ Chúng gặm lên thịt da/ Có vết thương mưng mủ/ Người lính nằm đợi thù/... bên xác người đã khuất/... Họ lật xác thù/ Tìm nước uống, lương khô”. Những câu thơ tự sự, tả thực, giản dị nhưng nó dựng lên hiển hiện trước mắt người đọc một cảnh tượng khốc liệt, gian khổ đến tột cùng của bộ đội ta.

Đất nước thống nhất, nhưng xã hội còn bao điều ngổn ngang, bức bối. Thực tế đó dội vào lòng Nguyễn Đức Mậu, khiến có lúc câu thơ của ông buộc ta phải suy ngẫm, băn khoăn: “Xa quê biền biệt tháng ngày/ Ngủ rừng, ngủ phố, đêm nay ngủ nhà/ Mọt kêu rờn rợn thịt da/ Tiếng vô tri cũng khiến ta chạnh lòng”. Hay anh mượn tâm sự của một vị tướng về hưu để nói hộ lòng mình và bao người lính khi trở về đời thường: “Huân chương xếp vào góc tủ/ Nay hàm tướng tá làm chi/ Tuổi già công danh xem nhẹ/Cuộc đời như nước trôi đi”. Nhưng vút lên bay bổng trong anh vẫn là giọng thơ chủ đạo tràn đầy niềm tin về sự phát triển của đất nước, về một xã hội tốt đẹp, thanh bình. Đọc bài thơ “Đàn bò vàng trên đồng cỏ hoàng hôn”: “Tiếng mõ rơi, tiếng mõ rơi đều/ cả đồng cỏ lút vào khoảng tối/ như vẫn còn rung nhịp mõ kêu/ Có một kẻ đi sau người chăn bò mê mải/ túi áo gói đầy hương cỏ thơm/ trái tim đựng đầy tiếng sáo và tiếng mõ/ Đôi mắt đong đầy giàn giụa suối trăng non”, ta không chỉ thấy được bức tranh đẹp, thanh bình của một vùng quê mà còn thấy được một tâm hồn khoáng đạt, tươi đẹp, trong trẻo của anh - một người thơ bền bỉ, giàu cảm xúc, đẫm văn hóa Việt, hồn Việt, rất gần gũi với người đọc.

Cho đến cuối năm 2023, Nguyễn Đức Mậu đã cho xuất bản 16 tập thơ và trường ca, 5 tập văn xuôi (bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình tiểu luận). Hai cuốn tuyển tập mới nhất “Nguyễn Đức Mậu tuyển tập thơ” và “Nguyễn Đức Mậu tuyển tập trường ca” có độ dày gần 500 trang mỗi cuốn, đủ nói lên gia tài văn chương giàu có của anh.

Dù nay đã bước sang tuổi 80, nhưng nhà thơ vẫn sống nhiệt huyết và tiếp tục “gieo những con chữ” mang niềm vui đến cho người đời như một bài thơ ông viết: “Những con chữ mẩy vàng hạt giống/ Gieo tơ non trên trang giấy cánh đồng/.../ Những con chữ như bầy ong xao động/ Chúng bay đi tìm đến trái tim người”. 

Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Còn lại chút đông
07:04, 28/01/2024
Đắk Lắk chào xuân
07:04, 28/01/2024
Hoa sống đời
07:03, 28/01/2024
Nhớ rét...
09:25, 21/01/2024
Còn đây nỗi nhớ
09:25, 21/01/2024
(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.