Multimedia Đọc Báo in

Mùa hoa bưởi

07:50, 25/02/2024

Giêng hai, những cơn mưa bụi rây rắc lơ thơ như tấm màn voan mỏng lửng lơ dưới trời, tôi trở về quê sau bao nhiêu năm xa cách, màu yên bình bao trùm cả một làng quê bé nhỏ. Chân tôi bước trên con đường làng cảm giác vô cùng thân thuộc như những ngày xưa.

Chừng ấy năm tôi xa quê nhưng mọi thứ dường như chẳng đổi thay là mấy. Làng tôi vẫn còn lũy tre, cây đa, bến nước, sân đình…; vẫn còn những bờ giậu rợp đầy hoa dâm bụt đỏ chót. Khi tôi đang miên man, mơ màng hồi tưởng lại mọi thứ thì khứu giác bị khựng lại bởi một mùi hương thoang thoảng. Ký ức của tôi dường như đã xếp gọn ngay ngắn mùi hương hoa bưởi vào một ngăn nào đó rồi, nhưng hôm nay trở lại quê nhà chúng được lật mở và trỗi dậy xôn xao.

Hầu như trong làng tôi nhà nào cũng đều trồng một vài cây bưởi. Bên hông nhà, cạnh thềm giếng bố tôi cũng trồng một cây bưởi vừa lấy quả ăn, vừa lấy bóng mát. Tôi nhớ sau những ngày Tết, đúng lúc mưa bụi đang rây rắc thì hoa bưởi xuất hiện. Từng nụ hoa lấm tấm lớn dần rồi bung xòe thành năm cánh trắng muốt xinh xắn. Chúng e ấp, nền nã dưới màu lá xanh thẫm. Đó là những buổi sớm mai thức dậy, tôi bất ngờ khi cây bưởi đã nở rộ, và trông nó như một cây hoa trắng khổng lồ, điểm xuyết là nhụy vàng lấm tấm như những đốm nắng mùa xuân.

Minh họa: Trà My

Hoa bưởi có một mùi thơm thoang thoảng dịu nhẹ mang một chút ngọt ngào mà không một loài hoa nào có được. Thơm quá! Thơm đến nao lòng! Đó là những lần tôi đứng dưới hiên nhà trong một sớm mai bình yên và bắt đầu tận hưởng, hít hà. Tôi đem lòng yêu mùi hương này lúc nào không hay. Thuở tuổi hoa niên mộng mơ, tôi thường rủ đám bạn lăng xăng dưới gốc bưởi nhặt hoa làm đồ hàng. Chúng tôi chơi trò nấu ăn: lá bưởi xếp lại thành nồi niêu, bát chén còn hoa bưởi làm... nguyên liệu. Cũng bắc mấy hòn đá chụm lại làm kiềng, dùng thanh tre nhỏ làm đũa đảo qua đảo lại như thật. Chơi nấu ăn chán lại rủ nhau kết thành vòng hoa xinh xắn đội lên đầu. Đứa nào đứa nấy đều ước ao được làm công chúa, đội vương miện hoa bưởi thơm lừng, chờ hoàng tử tới rước. Kỷ niệm ấu thơ chỉ có vậy nhưng mỗi khi nhắc nhớ lại thơm xôn xao cả vùng trời ký ức.

Nhớ về hoa bưởi, tôi lại nhớ hình dáng mẹ hiền còng lưng nhặt từng cánh hoa mới rụng, còn tươi để vào một chiếc mẹt và phơi để dùng dần. Ngày ấy, mẹ tôi có một mái tóc dài suôn óng ả mà theo lời mẹ bảo cũng nhờ những lần gội đầu bằng cây cỏ vườn nhà như trái bồ kết, lá hương nhu và hoa bưởi. Nồi nước gội đầu của mẹ ngày xuân sẽ không bao giờ thiếu được mấy bông hoa bưởi trắng muốt thả vào. Mấy chị em tôi khoái gội đầu bằng nước bồ kết thả vào mấy bông hoa bưởi vô cùng. Cái mùi thơm nhưng nhức, thanh khiết, dịu dàng lẩn quất trong mớ tóc xanh óng ả. Tuổi mười sáu tôi biết thẹn thùng khi bạn trai thầm thương trộm nhớ khen mái tóc thơm duyên dáng. Tôi mỉm cười, và thầm cảm ơn những bông hoa bưởi nơi thềm giếng.

Năm tôi mười tám tuổi, tôi xa quê lên phố học tập. Mùa hoa bưởi cũng theo bước chân mẹ tôi từ quê lên phố. Người ở phố chơi hoa bưởi như một loại hoa thân thuộc trong ngày Tết Nguyên tiêu hay đầu tháng. Tôi với mẹ trọ cùng một gác xép nhỏ. Hoa bưởi ướp hương cả căn phòng nhỏ xíu. Mẹ cần mẫn từng gánh hoa rong ruổi khắp mọi nẻo đường nuôi tôi ăn học cho đến khi mấy chị em tốt nghiệp, có công ăn việc làm ổn định. Và mỗi độ xuân về tôi lại nao lòng nhớ mẹ, nhớ những mẹt hoa bưởi còn đẫm sương mai tinh khiết, theo bước chân mẹ gồng gánh qua mọi ngõ ngách phố thị.

Bây giờ đứng giữa mùa hoa bưởi. Tôi đã không còn là cô bé năm xưa khờ khạo nhưng tâm hồn vẫn luôn khát khao một hình bóng quê nhà, một mùi hương dân dã quen thuộc đến nao lòng. Thời gian như một chuyến tàu đi mãi không có ga trú đỗ. Còn với hương hoa bưởi thì muôn đời vẫn dịu dàng và thơm thanh khiết. Ký ức và hiện tại đưa tôi về với những thương nhớ ngọt ngào, những phút giây chẳng thể nào quên.

Tăng Hoàng Phi


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.