Multimedia Đọc Báo in

Như là vào mùa Xuân

16:28, 09/02/2024

Su Su cựa mình. Bàn tay ai đấy vỗ vào lưng cậu thật nhẹ. Nhẹ lắm, cứ thể như bàn tay ru cậu lúc ban tối. Mỗi lúc một mạnh hơn. Và có tiếng gù khe khẽ bên tai.

Này Su Su ơi, sáng rồi, dậy thôi. Này em Su Su ơi, ông mặt trời dậy từ khi nảo khi nào rồi, ông vừa hỏi nhà mình có cậu bé nào đang ngủ nướng không kia kìa.

Không phải tiếng của mẹ đâu. Vì sáng nào mẹ cũng gọi hai chị em Su Su. Tiếng gọi của mẹ gấp gáp, đang ngủ mà nghe thấy là giật nảy cả người. Giọng nói rầm rì này của ai nhỉ. À, thì ra tiếng của aduôn đấy. Giọng của bà lúc nào cũng ấm như thế còn gì. Thế là Su Su mở mắt, uốn mình, lăn bên phải rồi lăn bên trái. Mặt úp vào tấm chăn thổ cẩm thơm thơm mùi nắng mà bà mới phơi hôm qua. Su Su thấy dễ chịu thế. Mắt cậu vẫn cứ nhắm nghiền. Aduôn vẫn rất kiên nhẫn. Chị Ly đã dậy từ khi nào rồi. Chị đã đánh răng và rửa mặt. Chị chờ cháu dậy thì cùng ăn sáng nhé. Ông đã nấu xôi cho hai chị em từ khi gà còn chưa gáy nhá.

Minh họa: Trà My

Vừa nói, bà vừa xốc Su Su lên, cậu bé vẫn ngái ngủ nhưng đã chịu ngồi dậy, lấy tay dụi dụi mắt hai ba cái rồi bước xuống giường. Bảo là bước xuống nhưng cái giường chỉ thấp lè tè sàn gỗ. Aduôn của Su với tay lấy cái chăn, xếp gọn lại. Bà luôn rất gọn gàng và ngăn nắp. Mỗi khi về thăm ông bà, chị em Su Su đều được bà nhắc việc ấy, chẳng bù với khi ở trên phố, mẹ làm hết mọi việc vì bảo hai đứa còn bé, chưa biết làm việc gì.

Ông đã ở dưới cầu thang nhà sau từ khi nào. Ông dắt Su Su đi một quãng, chắc cũng vài trăm mét. Su Su bước thấp, bước cao theo ông, vừa đi vừa ngáp. Hai ông cháu đến trước một hốc đá, nơi có chiếc ống dẫn nước từ trên núi chảy xuống. Ông nhấc chiếc thùng màu trắng đã ngả vàng đang hứng nước sang một bên, rồi bảo Su Su ngồi xuống đánh răng, rửa mặt dưới dòng nước đang róc rách chảy ấy. Chao ôi, nước mát rượi và ngọt lịm. Su Su thích thú: Ông ơi, sao trong lòng núi lại có nước chảy ra miết thế hả ông? Ông gật gù. Đây là bến nước cháu nhớ không? Người trong buôn ra bến nước lấy nước về nấu nướng. Nước ở đây là nước ngầm đấy. Nước ngầm chảy quanh năm suốt tháng, không bao giờ cạn cháu ạ. Hay quá ông nhỉ. Hay chứ. Còn bao nhiêu điều hay mà lần nào cháu của ông về cũng thích còn gì. Vâng ạ. Su Su thích thú cười vang. Ông cũng cười. Ông bảo cháu leo lên lưng để ông cõng về nhà. Cậu bé thích thú. Thật ông nhá. Thật chứ. Ông ngoại còn khỏe lắm.

Thế là ông ngoại công kênh Su Su trên lưng quay về nhà.

Thích thật. Lúc nãy trên đường ra bến nước thì Su Su còn ngái ngủ. Nhưng bây giờ trên đường về thì cậu bé đã tỉnh như sáo. Lại còn được ông cõng trên lưng. Su Su đưa mắt nhìn mọi vật xung quanh. Chao ôi, không khí ở buôn của ông bà ngoại thích quá, những bụi tre ở bên đường cao vút, những cành tre chằng chịt nhỏ xíu xen lẫn gai tre. Lần trước khi hai chị em Su Su về thăm ông bà, ông đã dắt chị Ly xem hoa tre nở. Chị Ly bảo hoa tre xinh lắm, li ti như những cánh sao. Nhưng Su Su lúc ấy không bận tâm. Vì cậu bé còn mải mê bắn bi với hai đứa trẻ ở dưới gầm nhà sàn. Cuộc chiến đấu rất hăng, chỉ tiếc là trận ấy Su Su thua mất bốn viên bi. Chị Ly bảo, biết đâu lúc nãy đi xem hoa tre với chị thì những viên bi ấy vẫn còn nguyên trong lọ. Chị chẳng hiểu gì bọn con trai cả. Tiếc thì có tiếc nhưng không thể không chơi.

Đúng như lời hứa của bà. Khi hai ông cháu trở về nhà thì đã có một bữa sáng đang đợi sẵn. Bà xới cho hai chị em, mỗi đứa một nắm xôi nếp. Xôi được gói giữa hai lớp lá chuối. Thơm lừng. Bà chia cho Su Su chiếc đùi gà nướng vàng ươm, nóng hổi. Rồi bà đưa cho chị Ly một miếng thịt gà cũng hấp dẫn không kém. Chị Ly phụng phịu, có vẻ ghen tị với Su Su vì cậu em trai có hẳn một chiếc đùi. Trông thấy thế, ông vỗ nhẹ lên vai chị Ly, giọng rất nhẹ nhàng. Nếu không phải là bà chia như thế thì cháu cũng nhường em cái đùi gà này đấy cháu gái ạ. Em Su Su bé hơn cháu còn gì. Nghe ông nói thế, cậu bé cười khúc khích, dứ dứ chiếc đùi gà béo ngậy về phía chị. Lêu lêu. Định tranh với em hả, còn lâu nhá. Nhưng bất ngờ, bà lại hắng giọng. Su Su, cháu xé cho chị một miếng, rõ to vào. Chị em thì có thức ăn ngon phải chia nhau mới được, cháu nhé. Nghe thấy thế, chị Ly hết ngay vẻ mặt phụng phịu, mặt tươi hẳn, lại còn thè lưỡi trêu lại em.

Bữa sáng kết thúc rất nhanh. Hai chị em rửa tay và chạy ra chơi với bọn trẻ con thập thò ngoài cửa chờ từ lúc nào. Khi ấy, ông ngoại loay hoay lắp khung cửi cho bà dệt vải. Đâu vào đó rồi ông mới đi làm việc của mình. Việc của ông là vác cần câu ra suối câu cá. Không chờ ông gọi, cả đám trẻ con lúp xúp chạy theo ông. Mà chỉ toàn những đứa con trai như Su Su.

Sáu đứa con trai nhưng chỉ có ba chiếc cần câu. Ông ngoại lắp mồi và dặn bọn trẻ con ngồi ở nơi bờ suối bằng phẳng, khá an toàn. Ông bảo chốn sông suối là phải cẩn thận. Đứa nào cũng phải học bơi để phòng khi trượt chân ngã xuống nước còn biết tự cứu lấy mình. Rồi còn cứu người khác. Hè năm trước, ông dành cả tháng để dạy Su Su và đám trẻ con trong buôn học bơi. Uống bao nhiêu nước, tập đạp chân đến mỏi nhừ thì đứa nào cũng bơi được. Ấy thế mà lúc nào ông ngoại cũng dặn dò rất kỹ lưỡng. Nào thì không đùa giỡn quá trớn khi ở dưới suối. Nhất là khi bơi phải quan sát dòng nước, thấy nước dâng thì phải lên bờ ngay. Ông cứ nói suốt. Bọn trẻ con nghe mãi thì đâm ra nhớ lâu. Vì tiếng của ông cứ như nhịp con thoi, túc tắc mãi.

Nhưng lần này thì ông không nói nhiều như thế nữa. Đi câu cá phải im lặng. Cá cũng nhạy cảm lắm. Hơi động chút là chúng nó kéo nhau đi hết. Thế là bọn trẻ con vốn hiếu động tự dưng rủ nhau rón rén. Muốn nói gì thì cũng chỉ dám thì thầm vào tai nhau. Mồi câu là giun đất. Ông tự tay cài mồi vào cần câu của từng đứa. Ấy thế mà sau hai tiếng đồng hồ, cần câu của ông liên tục giật lên tanh tách. Su Su cũng câu được con cá lòng tong bé tí bằng hai ngón tay. Thế nhưng cậu bé phấn khích lắm. Reo hò ầm ĩ. Những đứa bạn của Su Su cũng thế. Nhưng chúng khá hơn, con cá câu được cũng nhỉnh bằng bàn tay Su Su. Thế là cũng thích mê rồi.

Đám trẻ con tỏa đi gom lá và củi về để cho ông ngoại nướng cá ngay bên suối. Trong khi đi nhặt củi, Su Su thấy bên suối rất nhiều hoa. Những bông hoa loa kèn màu cam tươi rói rập rờn, vạt hoa cánh bướm rực rỡ. Lạ nhất là vạt hoa màu xanh tím mà Su Su không biết tên cũng nghiêng mình soi mình xuống mặt nước, thả những chiếc lá thuôn dài trôi giữa làn nước. Trời rất trong xanh, trời soi bóng xuống lòng suối xanh ngắt. Thật đẹp.

Su Su và các bạn ôm củi về cho ông. Ông chọn cành cây thẳng, hơi nhọn và bày cho Su Su với các bạn làm thành những xiên cá. Cá được nướng trên bếp than đang cháy rừng rực. Thơm quá. Cá chín rồi ông ơi. Đám trẻ con lao nhao. Mỗi đứa ráng thò tay vào để được trở cá một lần. Cảm giác nhìn con cá mỗi lúc một săn lại, xèo xèo. Mùi thơm tỏa ra ngọt lịm sao mà hấp dẫn đến thế. Khi cá chín, ông ngoại lôi ra trong túi áo một bọc lá chuối. Thì ra đó là nhúm muối ớt xanh được gói rất kỹ. Mấy ông cháu xúm lại gỡ cá khỏi cây xiên, cá chấm với muối ớt. Bọn trẻ con thi nhau hít hà. Chao ôi là ngon. Là thơm và ngọt lịm. Thế mới biết, ăn cá nướng ngay bên bờ suối là cảm giác tuyệt vời thế nào. Ấy thế mà chị Ly không được thưởng thức. Nghĩ đến đấy, Su Su dừng không ăn nữa. Cậu bé gói con cá vừa mới ăn được một vài miếng trên tay vào chiếc lá chuối một cách cẩn thận. Bọc thêm một lớp lá chuối nữa, rồi loay hoay tìm dây để cột lại. Nhác thấy thế, ông ngoại hỏi. Sao cháu không ăn đi cho nóng. Cháu không thích cá nướng à. Su Su nói nhỏ: Cháu để phần mang về cho bà ngoại và chị Ly. Chị Ly chắc chưa ăn được cá nướng ngon như thế này đâu ông ạ.

Nghe đến đấy, ông cười xòa, xoa đầu Su Su âu yếm. Không phải lo. Ông đã để phần cho chị Ly của cháu kia rồi. Cháu trai của ông sắp thành người lớn rồi nhé. Biết nghĩ cho người khác rồi cơ đấy. Ông vui quá.

Su Su cười bẽn lẽn. Nhất là khi các bạn xung quanh cũng chìa cho cậu bé phần cá của mình. Tiếng cười nói cứ thế mà râm ran cả một khoảng ở bên bờ suối. Rộn ràng như thể mùa xuân đã về sát cạnh bên rồi.

Niê Thanh Mai


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.