Multimedia Đọc Báo in

Tết về thương nhớ quán tranh xưa

07:00, 12/02/2024

Một năm bề bộn lo toan rồi cũng dần vơi ngày, cạn tháng. Cái Tết dần hiện hình trong tâm thức mỗi người với rất nhiều bâng khuâng, da diết về một miền xa cũ

Trong miền ký ức ấy, tôi thường dành nhiều thương nhớ về một quán hàng tranh nằm cuối chợ quê trong những ngày giáp Tết. Hồi nhỏ, mua tranh về dán tường ngày Tết là niềm yêu thích đặc biệt của một cậu bé mê vẽ như tôi.

Mỗi phiên chợ Tết, tôi và chị gái lại xúng xính áo quần, lũn cũn theo mẹ hòa vào dòng người nô nức sang chợ làng bên. Khi đến chợ, sau khi nghe mẹ dặn dò, tôi đi về phía cuối chợ tìm quán hàng tranh quen thuộc. Quán tranh là một gian nhà tường đất lợp mái rạ, nằm nép mình dưới vòm cây xà cừ cổ thụ.

Chủ quán là một ông lão chừng bảy mươi tuổi có vóc người cao gầy, phong thái khoan thai, mái tóc như mảng mây trắng bồng bềnh. Trên mặt hai chiếc chõng bày la liệt những tệp tranh theo từng loại. Tôi như bị mê hoặc trước những hình ảnh, sắc màu lung linh đang thắp lửa giữa tiết trời cuối năm giá rét. Có nhiều loại tranh nhưng tôi nhớ rõ nét về hai loại tranh thường có ở quán tranh này, đó là tranh Đông Hồ giấy dó và tranh in trên giấy mịn bóng.

Minh họa: Trà My

Tôi thích tranh Đông Hồ có lẽ bởi kích thước tranh thường nhỏ nhắn, dễ dán, dễ bố trí trên tường vôi giản dị, bởi sắc màu tươi tắn, bởi những hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu. Cả thế giới hiện lên trong những đường nét mới mẻ, tinh nghịch. Đây là bức  “Hứng dừa” có người đàn bà tung váy hứng trái dừa mà người đàn ông thả từ trên ngọn dừa xuống. Còn kia nữa, một đàn chuột quần áo chỉnh tề, võng lọng trang hoàng đang khiêng kiệu rước dâu, vừa đi vừa dâng lễ vật cho chú mèo béo mẫm ngồi chắn phía trước…

Tranh in trên giấy mịn thường có khổ dài hơn. Đường nét sắc màu thường tinh xảo, cầu kỳ hơn. Tôi nhớ nhất là những bộ tranh theo một chủ đề nào đó. Có bộ tranh bốn bức vẽ bốn cô gái, mỗi cô đang cầm hoặc chơi một loại nhạc cụ. Bốn cô gái ăn vận theo kiểu của người phụ nữ ngày xưa, mặc áo tứ thân, chân đi hài nhung, đầu vấn khăn trần thật trang nhã, kiều diễm. Bố tôi bảo đó là bộ tranh “Tố nữ”. Có bộ tranh về các mùa trong năm, mỗi mùa một loại cây, một loại hoa đặc trưng như bộ tranh “Tứ quý”. Có bộ tranh vẽ mô phỏng các tích truyện nổi tiếng như truyện Tấm Cám, Thạch Sanh, Lục Vân Tiên, Truyện Kiều... Có lẽ, trong tranh in trên giấy mịn, tôi ấn tượng nhất với bộ tranh một đôi cá chép trông trăng.

Ông chủ quán tranh dường như cũng quen và nhớ mặt một khách hàng bé nhỏ là tôi. Ông thường dành cho tôi một nụ cười thật ấm áp. Có một lần, tôi đã mua xong một bộ tranh tứ quý thì phát hiện có một bức tranh mà thoạt nhìn tôi đã mê quá rồi. Tôi hỏi giá tranh và lục túi. Ôi chao! Thật may! Vừa còn đúng với giá của bức tranh! Tôi khấp khởi mua bức tranh nhưng chợt ông chủ quán bảo tôi: “Cháu ơi! Đây là bức tranh “Vinh hoa”. Bức này phải đi kèm với bức “Phú quý” để làm thành một cặp. Không ai chơi tranh lẻ bộ thế!”. Tôi ngần ngừ tiếc nuối đặt lại bức “Vinh hoa” lên chõng và vội vàng bước ra khỏi quán. Bỗng ông chủ quán gọi: “Đây, cả bộ “Vinh hoa - Phú quý” của cháu đấy! Ông chỉ lấy tiền một bức thôi!”. Tôi lí nhí cảm ơn ông mà thấy cả đất trời bỗng ngập tràn không khí Tết và lòng thì lâng lâng, chân đi nhẹ bẫng giữa mưa phùn lất phất.

Mấy chục năm đã qua đi, tranh Tết bây giờ đã khác xưa nhiều quá. Mỗi lần Tết đến, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ về quán tranh tuổi nhỏ. Có lần về quê ăn Tết, tôi trở lại góc chợ ngày xưa. Cây xà cừ cổ thụ đã vắng bóng. Quán tranh xưa khuất nẻo, ít người còn nhớ. Tôi đứng lặng hồi lâu rồi quay về. Tôi biết chẳng thể quay về lại cái thời xa xôi ấy để ngẩn ngơ trước những sắc màu, hình ảnh lung linh trong thế giới tranh xưa. Nhưng tôi cũng biết, nụ cười ấm áp của ông chủ quán tranh có mái tóc như mây trắng và những bức tranh thuở ấy đã đóng chặt vĩnh cửu trong bức tường ký ức của tôi.

  Nguyễn Văn Song


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.