Tháng Giêng ngồi lại
Không hiểu vì sao nhiều bài thơ hay về tháng Giêng thường là thơ năm chữ (ngũ ngôn). Có lẽ thơ năm chữ với nhịp đi chậm rãi, như là tâm thế của một người vừa đi qua cơn huyên náo của mùa Tết, có phút thảnh thơi ngắm nhìn hoa cỏ.
Ngẫu nhiên, tôi nhớ đến thơ của ba thi sĩ, ở ba miền bắc, trung, nam, đều làm thơ về tháng Giêng, những bài thơ hay, và đều là thơ năm chữ. Đó là Nguyễn Việt Chiến với bài thơ “Mưa tháng Giêng”, Lâm Thị Mỹ Dạ với bài thơ “Tháng Giêng” và Mường Mán với bài thơ “Tháng Giêng hát”. Mỗi bài một kiểu, một vẻ đẹp thanh thoát, một cái tôi trữ tình gắn con người với mốc thời gian khởi sinh cho năm mới, mùa mới.
Sắc xuân. Ảnh: Hữu Hùng |
Hãy cảm nhận tháng giêng qua thời tiết: Tháng Giêng mưa ngoài phố/ Mưa như là sương thôi/ Những bóng cây dáng khói/ Như mộng du bên trời (Mưa tháng Giêng - Nguyễn Việt Chiến); tháng Giêng tơ nõn: Tháng Giêng hiền như cỏ/ Và tóc mềm như mây/ Tóc bay qua bến lạ/ Sông thương ai, sông đầy (Tháng Giêng hát – Mường Mán); tháng Giêng mơn mởn để lắng lòng thi nhân: Lụi tàn rồi mơn mởn/ Thời gian như cánh đồng/ Ngày xưa ta bé nhỏ/ Tháng Giêng còn nhớ không (Tháng Giêng – Lâm Thị Mỹ Dạ).
Vòng quay thời gian lặp lại, thiên nhiên cỏ cây tắm gội để bắt đầu chu kỳ sinh sôi kỳ diệu. Chỉ con người già đi theo thời gian. Già đi nhưng ký ức thì vẫn tươi nguyên “hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát” (Đoàn Phú Tứ). Nếu nhà thơ Nguyễn Việt Chiến day dứt: “Tháng Giêng ngày mỏng quá/ Nỗi buồn nghe cũ rồi/ Mà bên kia tờ lịch/ Nỗi niềm mưa xót rơi”, thì Mường Mán cũng hoài niệm: “Tháng Giêng biếc như lá/ Và tình ấm như tay/ Tình rẽ sang lối nọ/ Vai nhớ ai vai gầy”. Riêng Lâm Thị Mỹ Dạ với trái tim đa cảm tràn đầy nữ tính còn tinh tế hơn trong một tháng Giêng gợi nhớ niềm xưa thiếu nữ: “Biết bao giờ trở lại/ Màu trong vắt của trời/ Khép làn mi trinh nữ/ Tháng Giêng tràn lên môi”.
Tháng Giêng neo ký ức vào trái tim thi sĩ. Có chút buồn khi ngoái lại nhìn thời gian đã qua nhưng hiện sinh thì vẫn lấp lánh mời gọi. "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông", một triết gia đã nói vậy song cảm xúc thì khác, có thể tái hiện, nuôi dưỡng và rung lên cùng tần số, chỉ khác đi là bằng những giai điệu mới mẻ hơn. Nguyễn Việt Chiến nhìn xuyên qua màn mưa bụi tháng Giêng, để thấy: “Tháng Giêng mưa dưới bến/ Mỏng mai cô lái đò/ Mắt mưa em lúng liếng/ Trói tôi bằng vu vơ”; Mường Mán biến hình ngây ngất cùng tháng Giêng: “Tháng Giêng ướt như mắt/ Tháng Giêng hồng như môi/ Trái tim ai hóa bướm/ Bay theo nhau bồi hồi”, và Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn vậy, rất đằm thắm trong nỗi nhớ ngọt ngào: “Bông lay ơn ai tặng/ Tháng Giêng giấu nơi nào/ Để màu hoa lửa cháy/ Chập chờn trong chiêm bao”.
Trung niên thi sĩ Bùi Giáng từng viết: “Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”, ý nói, mọi chuyện rồi sẽ qua, chỉ là trong mơ như giấc ngủ dài. Phía trước tháng Giêng vẫn có, vẫn còn một mùa xuân. Và xa hơn, sẽ lại tiếp những mùa xuân dằng dặc. Nên tháng Giêng trầm mặc day dứt, bồi hồi ngẩn ngơ, xót xa hoài niệm, thương nhớ mơ hồ… rồi sẽ tan đi trong làn mưa bụi như sương, trong gió xuân miên man chồi lá. Mường Mán lẻ loi bên trời xuân nhưng đọc kỹ đi sẽ thấy nhà thơ không buồn. Không buồn bởi mùa xuân cũng như người tình, giữ mãi một bóng hình: “Tháng Giêng sao về muộn/ Không em, chim lạc bầy/ Một mình lên đồi hát/ Xuân nhớ ai, xuân gầy”. Lâm Thị Mỹ Dạ hái tuổi mình chơi để trẻ trung: “Tuổi vèo bay cùng gió/ Ta sắp qua tháng mười/ Ngoảnh lại nhìn xa lắc/ Một tháng Giêng nhoẻn cười”. Thiên nhiên kỳ diệu, tháng Giêng thanh tân, so ra con người, thậm chí cả nghệ thuật do con người sáng tạo ra cũng chỉ là cát bụi so với tạo hóa. Ngẫm điều ấy, để thấy niềm vui thi nhân là có thật, như Nguyễn Việt Chiến nhận ra: “Tháng Giêng mưa như cỏ/ Non xanh đến tận trời/ Trước vô cùng năm tháng/ Thơ mình – sương khói thôi”.
Vậy đó, nếu ví một năm dài như bậc cầu thang lên ngôi nhà sàn thì tháng Giêng là nấc thang đầu tiên ta đặt chân. Nhưng trước hết hãy ngồi lại trước khi bước lên. Ngồi lại để nhìn ra khoảng sân lay phay mưa phùn, có thể là nắng và gió tùy theo vùng miền. Ngồi đó và biết rằng khi quay mặt lại, bước chân ta sẽ ngược lối tìm về cánh cửa của ngôi nhà thời gian thương mến. Rồi tuổi tác dày thêm như lẽ nhân sinh là vậy. Biết rồi quý thêm từng giây khắc sống, giữa cuộc đời và thiên nhiên tươi đẹp. Như nữ thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ thầm thì với chính mình: “Tháng Giêng đầu ngọn biếc/ Ta phía cây cội già/ Ngước nhìn bao thương mến/ Cuộc đời mình đã qua”.
Ngồi lại giữa hai chiều thời gian, giữa hai cánh cửa tháng chạp và tháng giêng, chợt lòng ta rung lên khổ thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh trong bài “Tháng Giêng” (cũng là thơ năm chữ): “Bánh xe của tháng chạp/ Lăn qua mỗi ngày gầy/ Tháng Giêng về thêu cỏ/ Sợi mưa phùn lay phay”…
Phạm Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc