Quạt nan ngày xưa
Một chiều mùa hè mất điện nóng nực, bạn nói nhớ rằng quạt nan ngày xưa vô cùng. Ký ức về chiếc quạt nan đã ngủ quên, vậy mà giờ bạn nhắc nhớ, hình ảnh chiếc quạt nan thân thương lại ùa về…
Thế hệ của tôi sinh vào thập niên 80 của thế kỷ trước, ở vùng quê không ai là không biết tới quạt nan.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, khi tiếng cuốc râm ran gọi hè thì bố tôi sửa soạn dao rựa ra phía sau nhà đốn mấy thân tre già vào chẻ từng cái nan một, rồi lại tỉ mẩn ngồi cả trưa để đan quạt.
Tay bố thoăn thoắt chẻ, vót, rồi đan. Cái nắng nóng khiến tấm áo trên người bố ướt sũng, mồ hôi thi nhau lấm tấm trên khuôn mặt sạm đen. Không riêng gì bố mà trong làng vào dịp này, tới nhà ai cũng thấy vật liệu làm quạt ngổn ngang đầy hiên nhà, ngõ nhỏ.
Bố làm quạt chiếc nào chiếc nấy đều, đẹp như một nghệ nhân thủ công thực thụ. Bố chỉ tôi cách đan quạt bằng nhiều cách. Cách dễ nhất mọi người thường làm là đan nong mốt. Tức là chiếc nan này đè lên chiếc nan khác, dùng tay ấn khít chúng lại với nhau, cho đến khi thành một tấm vừa ý thì viền xung quanh lại.
Tay cầm nhất quyết phải dùng những chiếc cật tre già cứng nhất. Ba kiểu quạt nan mà bố tôi hay làm nhất đó là: hình thang, tròn hoặc hình bầu. Xong xuôi quạt, mẹ tôi đảm nhận nhiệm vụ thêu tên các con vào quạt bằng những sợi chỉ xanh đỏ để đánh dấu… chủ quyền.
Minh họa: Trà My |
Đến nhà nào cũng thấy hình ảnh chiếc quạt nan hiện diện. Nhà ít nhất thì một chiếc, nhà nhiều lên đến cả chục chiếc.
Đặc tính vùng đất quê tôi quanh năm nắng gió, những cơn gió Lào thổi hầm hập; lại thêm khoản cứ đến hè là điện cúp triền miên. Vì vậy để vớt vát chút gió ngày hè, dùng quạt nan là… thượng sách.
Mẹ tôi kể, tôi sinh ra đúng vào những ngày nắng hạ chói chang nhất. Đó cũng là năm cúp điện nhiều nhất. Vì nóng bức tôi khóc suốt ngày. Mặc dù được mẹ dùng quạt nan quạt đến rã cả tay nhưng tôi vẫn khóc.
Bất lực quá mẹ khóc theo. Mỗi lần mẹ nhắc nhớ chuyện cũ tôi lại thấy thương mẹ vô cùng, thương cả chiếc quạt nan bé nhỏ.
Quạt nan theo chân các bà, các mẹ đi buổi chợ chiều hôm, những buổi làm đồng nóng bức. Giờ giải lao bên gốc gạo, gốc đa tay người nào người nấy đều cầm chiếc quạt nan, vừa quạt vừa hàn huyên tâm sự chuyện cuộc sống thường nhật.
Nụ cười giấu sau vành nón trắng, những giọt mồ hôi lấp lánh nhỏ giọt khi nhắc tới chuyện đàn lợn, đàn gà sắp tới ngày xuất chuồng, đám rau cũng chuẩn bị đến lúc cắt bán, chuyện con cái học hành.
Góc quê yên bình, rôm rả xiết bao. Khoảnh khắc ngọt ngào ấy đã trôi qua từ lâu, để rồi sau này đi xa ai cũng nhớ một hình dáng của người quê mình hiền hậu tay cầm chiếc quạt nan thân thương.
Nhớ tới quạt nan là nhớ cả vùng trời quê yêu dấu. Quạt nan mang hình bóng quê nhà, bóng dáng bố mẹ tôi cả một đời cơ cực vì con cái, những ngày hè mang gió mát lành cho giấc mơ của chúng tôi được bay xa hơn.
Bất giác tôi nhớ tới những câu hát trong lời bài hát “Bàn tay mẹ” của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo: “Cơm con ăn tay mẹ nấu/ Nước con uống tay mẹ đun/Trời nóng bức gió từ tay mẹ, con ngủ ngon” và thấy lòng mình đang ngân lên từng nhịp rung động.
Tăng Hoàng Phi
Ý kiến bạn đọc