Vời vợi một khúc sông
Tôi trở về thăm quê vào một ngày tháng Tư nắng phơi vàng ngõ xóm. Dừng chân bên lối quen, ngắm những đám mây bồng bềnh trôi, màu mây trắng soi bóng xuống dòng sông xanh, lơ thơ vài đám lục bình.
Khẽ giật mình, khi tâm tư bỗng cồn cào, xáo trộn. Cứ ngỡ, cuộc mưu sinh nơi xứ người khiến phai đi ký ức về làng sau bao ngày xa cách, nhưng rồi, giữa bao la nước biếc, giữa dặm dài sắc hoa và cỏ dại, lòng tôi bồi hồi, tưởng tiếc...
Tôi lặng thầm nhìn dòng sông miên mải chảy trong chiều nghiêng nắng. Khúc sông này là một chi lưu của dòng sông Cái chậm rãi ngang qua thị tứ soi bóng những ngôi nhà cổ, những mặt phố trầm tư trước khi hợp lưu cùng sông Vệ, thoát ra cửa Lở để về với biển bao la. Dù chỉ là nhánh nhỏ trong thủy trình có nhiều gặp gỡ và tan hợp đầy đớn đau của dòng sông mẹ nhưng khúc sông này đã mang theo bao nhiêu câu chuyện thế sự buồn vui.
Đò rẽ nước ngược dòng, tôi cảm giác khúc sông vẫn lững lờ trôi mặc thế sự thăng trầm. Những dấu xưa còn đây, hai bên bờ sông vẫn còn đó chùa Ông rêu phong, dinh Bà u trầm giữa hoàng hôn rực đỏ. Sách cũ còn ghi người Việt bản địa và người Hoa lưu dân ở Thu Xà sống cùng nhau trên bờ sông Vực Hồng qua nhiều thế hệ, không chỉ xây dựng nên một thương cảng sầm uất, hình thành nhiều nghề thủ công độc đáo như đan chiếu cói, làm kẹo gương, đường phèn, nhang trầm… mà còn tạo nên một vùng văn hóa dung hợp, phóng khoáng đậm chất hải hồ.
![]() |
Minh họa: Trà My |
Sông, tự bao đời, mang đến cho con người một không gian tươi mát, gợi lên niềm hy vọng và bao ước mơ trong lành nhưng đôi khi chính nó lại làm cho con người lo sợ, bất an. Với tôi, ký ức về sông đã theo cùng năm tháng bởi sự linh thiêng và tín ngưỡng. Tôi vẫn còn ám ảnh về những trận lụt kinh hoàng. Chỉ trong một đêm, nước đã dâng cao, nhấn chìm tất cả. Những ngôi nhà chỗ trũng thấp, nước ngập tới nóc. Mọi người phải bồng bế, gánh gồng cùng nhau thoát nạn. Tiếng kêu cấp cứu hòa trong gió mưa cuồng nộ. Tôi bất lực nhìn dòng nước cuộn xoáy cuốn phăng đi bao ước mơ và dự định. Nước rút, sông để lại lớp bùn non phủ lên ruộng vườn.
Sông Vực Hồng chỉ là chi lưu ngắn nhưng đã gánh mang và giữ lại trong lòng bao huyền tích về một vùng quê, bao tâm trạng của những con người sinh ra và lớn lên ở đấy, để khi đi xa vẫn bồi hồi, lưu luyến. Tôi lặng nhìn phía bên kia cù lao, thấy ngăn ngắt màu xanh của tre, của hoa màu vòng quanh như cánh cung khổng lồ. Chỉ cách nhau con lạch do dòng sông quặn mình rẽ ngoặt vào trận lũ năm xưa, nối với phố xá đông vui bằng con đường nhỏ, hai bên lau sậy um tùm mà cù lao vẫn giữ được nguyên trạng của linh hồn lặng lẽ từ thuở khai sinh. Tôi đã từng qua bên đấy, gặp những cư dân sinh sống bình yên dưới những nếp nhà. Họ canh tác hoa màu trên những bãi bồi, họ vỡ hoang từng mảnh đất từ những triền lau xâm lấn. Qua năm tháng dài dặc, qua thời chiến tranh khói lửa, qua bao đổi thay, người dân cù lao vẫn bền bỉ, yêu thương và gắn bó với cuộc sống giữa bao la con nước.
Trăm sông đều đổ về biển cả, khúc sông làng tôi cũng thế. Như bao dòng sông khác, nó cũng mang một sứ mệnh thiêng liêng và lưu giữ những ký ức đẹp của đời người. Con sông từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống con người.
Muốn thức cùng sông để chờ trăng lên, tôi lắng nghe từ xa xưa tiếng hò vang vọng cùng tiếng dầm khua nhịp đuổi cá. Ngàn lau trắng phơ phất. Cù lao ẩn mình giữa bóng tối thâm u. Tất cả dội lắng vào tâm tư những gì gắn bó, khó buông rời. Lặng thầm đi trong niềm nhớ, nhìn con nước liu riu, từng đợt sóng vỗ nhẹ vào bờ mà nhận ra rằng khúc sông Vực Hồng luôn chuyên chở tình yêu xứ sở và luôn khao khát vươn mình ra đại dương.
Sơn Trần
Ý kiến bạn đọc