Multimedia Đọc Báo in

Chung quanh câu chuyện hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội

10:04, 01/08/2021

Ngành công thương của nhiều tỉnh thành vừa phải ban hành danh mục các chủng loại hàng hóa thiết yếu sau khi địa phương tổ chức chốt chặn, kiểm soát dân cư nhằm bảo đảm giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, đã có nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề hàng hóa nào là thiết yếu hay không thiết yếu, buộc các cơ quan chức năng phải xem xét lại vấn đề.

Dư luận mạng xã hội cho thấy, có những bất cập xảy ra khi các địa phương cố gắng kiểm soát tình hình bằng cách tuân thủ cứng nhắc các ngôn từ, ngữ nghĩa ở những văn bản chỉ đạo. Trong đó, cụm từ “hàng hóa thiết yếu” bị lạm dụng bởi những cách hiểu khác nhau, đã gây ra những sự cố bi hài, thậm chí phản cảm, làm khó cho công tác kiểm soát.

Một số nhà xã hội học chỉ rõ, không đơn giản như một số vùng nông nghiệp nông thôn, đời sống và nhu cầu vật chất tại các đô thị đa dạng hơn. Ngoài lương thực, thực phẩm, thị dân đô thị có thêm nhiều khoản mục cần được đáp ứng. Bởi lẽ các thành phố  có không gian khép kín, sử dụng các dịch vụ cung ứng hàng hóa là chính yếu nên sẽ hình thành một số mảng cung cầu hàng hóa thiết yếu mới, có thể còn chưa được liệt kê vào danh mục những hàng hóa xã hội cần.

Có nhiều nhu cầu khác biệt trong đời sống người dân đô thị về hàng hóa thiết yếu, trong đó nhiều mảng nhu cầu hoàn toàn không có trong các danh mục truyền thống. Vậy nên các cơ quan chức năng phải ứng xử thế nào cho thích hợp, thuận lý đạt tình, là vấn đề không đơn giản.

Người dân mua các hàng hóa thiết yếu tại siêu thị. Ảnh: Đỗ Lan

Qua những sự việc được dư luận phản ảnh, có thể thấy định nghĩa “hàng hóa thiết yếu” từ cơ quan chức năng cần được thay đổi, thậm chí có đề nghị nên loại bỏ khái niệm này ở văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, tùy địa phương và bối cảnh, áp dụng giãn cách xã hội tại các thành phố, thị trấn cần xử lý linh hoạt về kiểm soát hàng hóa luân chuyển, đặc biệt xác định “hàng hóa không thiết yếu” trong danh mục kiểm soát, hơn là bổ sung cho đủ các loại “hàng hóa thiết yếu”.

Đơn cử với TP. Buôn Ma Thuột, tính chất địa phương với hoạt động nông nghiệp nông thôn rất đặc trưng, phối hợp với nhu cầu hiện đại trong đời sống người dân là vấn đề đáng lưu ý. Sở Công thương Đắk Lắk khẳng định luôn phối hợp hài hòa hai mảng nhu cầu này trong đời sống người dân, để có những kiềm chế, định hướng dư luận hợp lý.  Đơn cử như rất nhiều loại vật dụng nông nghiệp nông thôn, điều có thể không phổ biến ở các đô thị lớn như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh cũng cần phải được hỗ trợ lưu thông tại  TP. Buôn Ma Thuột, như vật dụng cấy hái, dụng cụ rang đảo cà phê, bao bì bảo quản nông sản… Lý do đơn giản vì rất nhiều gia đình người dân Buôn Ma Thuột, ở giữa thành phố, vẫn đang bảo quản, kinh doanh các loại mặt hàng nông sản này.

Do đó, việc kiểm soát hàng hóa ra vào thành phố trong giai đoạn giãn cách xã hội cần được hướng dẫn, chỉ đạo với tinh thần linh hoạt, tương thích hữu hiệu nhất, không nên quá cứng nhắc câu từ mà cũng không thể buông lỏng, thả nổi. Các chốt chặn cần xác định rõ những đối tượng không có lý do chính đáng khi đi lại, vận chuyển những hàng hóa không thật sự phù hợp… để có yêu cầu kiểm soát minh bạch. Các trường hợp còn lại, đối chiếu nhu cầu chính đáng của người dân, cần linh hoạt hỗ trợ lưu thông.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.