Chung tay khắc phục hậu quả thảm họa da cam
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam cùng các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đã có nhiều hoạt động, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam để phần nào chia sẻ, xoa dịu nỗi đau của họ.
Hậu quả nặng nề
Khi chiến tranh còn đang diễn ra, và ngay sau khi đất nước được hoàn toàn độc lập, Đảng, Nhà nước và địa phương đã dự báo được nguy cơ, hậu quả của chất độc hóa học do quân đội Mỹ và đồng minh gây ra đối với môi trường, con người, sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tháng 10-1980, Chính phủ đã thành lập Ủy ban đặc biệt điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ủy ban 10-80) nhằm có một cuộc điều tra cụ thể, đầy đủ những tác động tàn khốc của chất độc hóa học lên con người và môi trường tại những vùng đất quân đội Mỹ đã phun rải trong thời gian chiến tranh. Kết quả điều tra của Ủy ban 10-80 khẳng định, tác hại của chất độc da cam/dioxin là vô cùng trầm trọng, để lại hậu quả nặng nề và lâu dài đối với con người và môi trường Việt Nam.
Tháng 1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập, trở thành “ngôi nhà chung” của các nạn nhân da cam. Đây được coi là bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học; hỗ trợ đời sống tinh thần, vật chất cho nạn nhân da cam.
Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chế độ ưu đãi đối với người tham gia hoạt động kháng chiến và những người bị nhiễm chất độc hóa học như: trợ cấp thường xuyên và đột xuất; hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng, tại các cơ sở bảo trợ xã hội; hỗ trợ học văn hóa, học nghề, học bổng và tìm kiếm việc làm…
Việt Nam cũng tăng cường vận động một số quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tham gia giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đắk Lắk và một số cán bộ hưu trí thăm, tặng quà trường hợp ở huyện Krông Năng bị di chứng chất độc da cam. Ảnh: Phan Nghiêm |
Hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả
Với sự hỗ trợ của một số chính phủ và tổ chức quốc tế, Chính phủ và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động điều tra, nghiên cứu, xử lý, khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin.
Tính đến tháng 6-2021, các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các chính phủ và tổ chức quốc tế đã tiến hành xử lý triệt để khoảng 90.000 m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin; cô lập và quản lý an toàn khoảng 50.000 m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin nồng độ thấp ở khu vực sân bay Đà Nẵng, bàn giao hơn 32 ha đất an toàn sau khi xử lý cho địa phương. Chôn lấp cô lập hơn 7.500 m3 đất ô nhiễm có nồng độ ô nhiễm dioxin cao trên 1.000ppt và xây dựng Hệ thống quan trắc nước ngầm, nước mặt, không khí ở sân bay Phù Cát (Bình Định). Xây dựng công trình chống lan tỏa tạm thời dioxin và hệ thống quan trắc nước ngầm, chôn lấp và cô lập khoảng 150.000 m3 đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai)...
Đặc biệt, trong những năm qua, Chính phủ Hoa Kỳ đã đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong việc nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc hóa học dioxin; tham gia tích cực các hoạt động nhằm khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin. Tính đến tháng 5-2020, Quốc hội Hoa Kỳ đã phê duyệt tổng kinh phí 328 triệu USD để Chính phủ Hoa Kỳ phối hợp với Chính phủ Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Tính đến tháng 4-2020, Quốc hội Hoa Kỳ đã phê duyệt hơn 80 triệu USD để Chính phủ thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Theo Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, thời gian tới, Chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ xử lý, khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam.
Trong số đó, trọng tâm là những kế hoạch, chương trình dự án hợp tác đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để chất độc hóa học/dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Phù Cát (Bình Định); tổ chức quan trắc môi trường tại các vùng bị ô nhiễm nặng bởi chất độc hóa học/dioxin; đẩy mạnh việc nghiên cứu công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin; nâng cao năng lực phân tích dioxin trong môi trường và cơ thể con người; hỗ trợ y tế cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tổ chức đánh giá và công bố kết quả thực hiện của dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng...
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc