Hiểm họa từ việc nuôi chó thả rông, không tiêm ngừa bệnh dại
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ chết người do chó dại cắn. Tuy nhiên, tình trạng nuôi thả rông vẫn diễn ra phổ biến, việc tiêm chủng ngừa bệnh dại cho chó vẫn chưa được người dân quan tâm.
Thờ ơ việc tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 130.000 con chó, nhưng trung bình mỗi năm ngành chỉ tiêm được khoảng 50.000 - 57.000 liều vắc xin ngừa bệnh dại. Hơn 50% số chó chưa được tiêm phòng dại tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn. Nơi đây, người dân thường nuôi chó theo hình thức thả rông, khó quản lý.
Mặc dù ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có điểm tiêm ngừa bệnh dại cho chó, song tỷ lệ chó được tiêm phòng bệnh dại ở khu vực này vẫn rất thấp. Thậm chí, khi cán bộ thú y đến kiểm tra và yêu cầu tiêm phòng bệnh dại thì chủ nhà thường thoái thác rằng “không biết chó nhà ai”, hoặc không bắt được chó thả rông...
Tình trạng nuôi chó thả rông vẫn diễn ra phổ biến ở khu vực nông thôn |
Theo ông Thủy Lệ Vũ, Chi cục phó, phụ trách Chi cục Chăn nuôi - Thú y, hằng năm, Chi cục đã phối hợp với ngành Y tế tỉnh, cùng với các địa phương dùng xe lưu động đi tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bệnh dại ở chó tới nhân dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền về tính chất nguy hiểm, hậu quả, cách nhận biết dấu hiệu chó, mèo nghi mắc bệnh dại; lập sổ quản lý theo dõi để kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện tiêm phòng chó dại trên địa bàn… Tuy nhiên, đa số người dân vẫn thờ ơ, né tránh việc tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo.
Các hình thức xử phạt đối với hộ nuôi, giữ chó, mèo không thực hiện đảm bảo các quy định và để ảnh hưởng, nguy hểm đến tính mạng, tài sản của người khác: Nghị định 167: + Phạt tiền từ 100 - 300 nghìn đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng; để vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng; gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư. + Phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu đồng đối với hành vi để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác. Nghị định 04: + Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ, dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; Không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng. Trường hợp vật nuôi gây nguy hiểm tính mạng của người khác thì tùy theo mức độ ảnh hưởng hoặc tính chất nghiêm trọng, chủ sở hữu của vật nuôi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Mặc dù hiện nay, chế tài xử lý việc chăn nuôi thả rông gây hậu quả đã được quy định rõ tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ (Nghị định 167) “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội...” và Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 3-1-2020 của Chính phủ (Nghị định 04) “Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y…”. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh chưa xử lý được trường hợp nào.
Bệnh dại - không được chủ quan
Đắk Lắk là một trong những tỉnh có tỷ lệ người tử vong do nhiễm bệnh dại từ chó cao nhất cả nước. Theo thống kê của ngành Y tế, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 27 người tử vong vì bệnh dại, riêng 6 tháng đầu năm 2021 đã có 3 trường hợp.
Đơn cử trường hợp em N.Đ.H. (SN 2001, trú xã Ea Wy, huyện Ea H’leo), bị chó nhà hàng xóm cắn ở ngón tay vào tháng 2-2021, chỉ sau đó một tháng thì H. phát bệnh và tử vong. Hay như trường hợp bệnh nhân H.V.M. (SN 1982, trú xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột), vào tháng 1-2021, bị con chó nhỏ cắn ở tay gây xước da. Đến ngày 11-3, bệnh nhân xuất hiện tình trạng sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, kích thích. Mặc dù được người nhà đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi… Qua điều tra yếu tố dịch tễ đối với các trường hợp tử vong nói trên cho thấy, sau khi bị chó cắn, bệnh nhân chủ quan không đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Chó sau khi cắn bệnh nhân khoảng ít ngày sau thì chết.
Cán bộ Thú y phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột thực hiện tiêm phòng dại cho chó. Ảnh: M.Thuận |
Ths. BS Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, khi người bị chó, mèo nhiễm vi rút dại cắn, liếm vào vết thương hở ở vùng như cánh tay, bàn chân thì tốc độ di chuyển của vi rút dại trong các sợi thần kinh bình quân mỗi ngày khoảng 0,7 cm; còn nếu cắn ở vùng bàn tay, đầu, cổ… thì khả năng vi rút tấn công lên não nhanh hơn. Khi người bị vi rút tấn công lên hệ thần kinh trung ương rồi thì không còn cách nào cứu chữa, gần như 100% là tử vong. Vì vậy, ngành Y tế khuyến cáo mọi người, khi đã bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết thương hở thì nên đi tiêm vắc-xin phòng dại. Tiêm xong, nếu trong 10 ngày, con chó, mèo đó vẫn sống bình thường thì ngừng tiêm, nếu không theo dõi được hoặc chó mèo chết thì tiêm tiếp các mũi còn lại.
Cũng theo BS Trí, bệnh dại hiện chưa có thuốc đặc trị, vì vậy, tiêm vắc xin/huyết thanh là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, ngừa bệnh dại khi bị động vật nghi ngờ dại cắn. Vắc-xin phòng bệnh dại hiện nay được nuôi cấy bằng tế bào Vero trong ống nghiệm, quy trình tiên tiến rất an toàn, sau khi tiêm gần như không thấy phản ứng phụ nên người dân yên tâm.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc