Phát triển bảo hiểm y tế ở vùng khó khăn đối mặt với nhiều thách thức
Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã được các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Tuy nhiên, việc vận động người dân vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số tham gia BHYT đang đứng trước nhiều thách thức.
Giảm mạnh số người được hỗ trợ BHYT
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk có 130 xã, gồm 69 xã khu vực I, 7 xã khu vực II và 54 xã khu vực III. Các xã thuộc khu vực II, khu vực III nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng chính sách áp dụng đối với xã khu vực II, khu vực III; trong đó, có chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT. Cùng với đó, ngày 18-6-2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 433/QĐ-UBDT về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện hai quyết định này thì tính đến ngày 30-6-2021, toàn tỉnh có 240.746 người không được thụ hưởng chính sách BHYT (tương ứng giảm 12,99% tỷ lệ bao phủ BHYT/dân số toàn tỉnh); trong đó, số người không được thụ hưởng chính sách BHYT theo Quyết định số 861 là 205.247 người và theo Quyết định số 433 là 35.499 người. Sau khi các quyết định này có hiệu lực, ngành BHXH và địa phương đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đến từng gia đình, thôn, buôn để vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình nhằm bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân khi cần. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, công tác phát triển BHYT ở những địa phương này vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả.
Đơn cử như xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ), trước đây thuộc diện xã vùng II nên hầu hết người dân đều được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT.
Mới đây địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và ra khỏi danh sách xã vùng II, chỉ còn thôn 8 và buôn Ea Kjoa nằm trong danh sách thôn, buôn đặc biệt khó khăn nên vẫn được hưởng chính sách BHYT với khoảng trên 900 khẩu. Còn lại, khoảng 4.000 người không còn được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT nữa, và hầu hết họ không tiếp tục tham gia theo hình thức tự nguyện.
Theo ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Drông, địa phương có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, một bộ phận đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhận thức hạn chế nên việc vận động họ tự nguyện mua BHYT theo hộ gia đình đang gặp rất nhiều trở ngại.
Người dân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H'leo. |
Cấp thiết hỗ trợ tạm thời
Vừa qua BHXH tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh có phương án tạm thời cho gia hạn thẻ BHYT từ ngày 1-7 đến hết ngày 30-9-2021 đối với người dân không được thụ hưởng chính sách BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 433/QĐ-UBDT |
Được biết, những năm qua, BHXH tỉnh luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT. Tính đến cuối năm 2020, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là 1.673.926 người, đạt 100% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao; đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 90,23% dân số toàn tỉnh, vượt 0,23% so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Do đó, khi những quyết định trên có hiệu lực, BHXH tỉnh đã chủ động kiến nghị và thực hiện một số giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2021.
Cụ thể, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã làm việc với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn tham gia BHYT hộ gia đình. Đồng thời rà soát, xác định số người không được thụ hưởng chính sách BHYT theo Quyết định 861 và Quyết định 433 nhưng thuộc nhóm đối tượng khác được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT như hộ nghèo, cận nghèo... để lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT theo quy định.
Song song đó, BHXH tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Ủy ban Dân tộc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II và III trên địa bàn tỉnh vừa ra khỏi danh sách theo Quyết định số 861/QĐ-TTg được tiếp tục thụ hưởng chính sách BHYT đến hết ngày 31-12-2021.
Trong khi chờ Ủy ban Dân tộc lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, vừa qua BHXH tỉnh cũng đã đề nghị UBND tỉnh có phương án tạm thời cho gia hạn thẻ BHYT từ ngày 1-7 đến hết ngày 30-9-2021 đối với người dân không được thụ hưởng chính sách BHYT theo hai quyết định trên.
Tổng số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho 240.746 người là 48.426 triệu đồng trong thời gian 3 tháng để đảm bảo thẻ BHYT có giá trị sử dụng liên tục và quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh của người dân không bị ảnh hưởng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài vẫn cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia mua BHYT để bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa…
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc