Multimedia Đọc Báo in

Cuộc sống mới ở buôn xa

06:47, 04/09/2021

Về các buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở thị xã Buôn Hồ hôm nay dễ thấy những con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp; những ngôi nhà khang trang và ruộng nương trù phú… như một minh chứng sống động về sự đổi thay, phát triển trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân.

Buôn Tring - "kho báu" trong lòng đô thị

Tọa lạc ngay trung tâm phường An Lạc và thị xã Buôn Hồ, buôn Tring (gồm buôn Tring 1, 2 và 3 thuộc phường An Lạc) được xem là một buôn cổ, hình thành chỉ sau Buôn Ma Thuột và là một “kho báu” về văn hóa, lịch sử của Đảng bộ, nhân dân Buôn Hồ.

Nơi đây từng là vùng đất lửa với trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring mùa xuân năm 1973, làm nên bản hùng ca bất tử về tinh thần quả cảm, xả thân vì nước của các chiến sĩ giải phóng quân. Hiện Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring năm 1973 đã được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh.

Người dân buôn Tring còn lưu giữ nghề đan lát truyền thống.
Người dân buôn Tring còn lưu giữ nghề đan lát truyền thống.

Người dân buôn Tring hôm nay chăm lo phát triển kinh tế, dựng xây cuộc sống mới. Với bản tính cần cù, chịu khó, bà con đã khai hoang đất đai để làm nương rẫy và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với nhiều loại cây trồng cho năng suất cao như cà phê, sầu riêng, bơ booth…

 
"Từ cuộc sống đói nghèo, đến nay hầu hết người dân các buôn làng đều có cái ăn, của để dành; từ sự tối tăm khi màn đêm xuống nay đã bừng ánh điện; trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, người dân được chăm sóc sức khỏe"...

Ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Drông

Đến nay, nhiều hộ dân trong buôn đã vươn lên làm kinh tế giỏi, với nguồn thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Đơn cử như hộ anh Y Linh Niê (buôn Tring 1) với mô hình trồng các loại cây ăn trái từ sầu riêng, bơ booth đến mít Thái, bưởi… xen trong vườn cà phê; hộ ông Y Dhơn Duôn Du (buôn Tring 3) trồng cà phê xen tiêu và sầu riêng…

Không chỉ chăm lo xây dựng, phát triển kinh tế, người dân buôn Tring còn luôn nỗ lực lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc từ nghề dệt may, đan lát đến đánh cồng chiêng, hát Aray và cả những ngôi nhà dài truyền thống. Trong nhịp sống đô thị hối hả, đến buôn Tring vẫn không khó để bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ và cả những cô gái trẻ hằng ngày say mê bên khung cửi dệt từng tấm khăn, cái áo hay chiếc váy để dùng khi buôn làng có lễ hội.

Theo ông Phạm Bá Minh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Buôn Hồ, buôn Tring hiện có hơn 400 hộ dân; trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Hiện buôn còn lưu giữ khoảng 30 ngôi nhà dài nguyên bản, trên 24 bộ chiêng, có khoảng 40 người biết dệt thổ cẩm. Ngoài ra, đã thành lập được 4 đội chiêng, có cả người già và người trẻ; vẫn còn lưu giữ tục cúng bến nước, cúng lúa mới, lễ thổi tai cho trẻ...

Diện mạo mới ở buôn Tung Krăk

Đến buôn Tung Krăk (xã Ea Drông), không còn thấy hình ảnh những con đường đất đỏ bụi mù vào mùa khô hay lầy lội vào mùa mưa mà thay vào đó là những tuyến đường bê tông sạch đẹp. Có được thành quả này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì có một phần không nhỏ sự đóng góp của người dân trong buôn. Với chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; trong đó Nhà nước hỗ trợ xi măng và đá, nhân dân góp tiền thuê máy móc, hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng, đến nay, tất cả các tuyến đường trong buôn với chiều dài gần 3 km đã được bê tông hóa phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương.

Một căn nhà xây khang trang của người dân ở buôn Tring.
Một căn nhà xây khang trang của người dân ở buôn Tring.

Từ một buôn làng trước đây hầu hết đều là những căn nhà ván lụp xụp, nay buôn Tung Krăk đã thay da đổi thịt với nhà cửa khang trang, hệ thống giao thông sạch đẹp nhờ ý chí vươn lên, cần cù chịu khó của người dân trong sản xuất, chăn nuôi cũng như sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước. Ông Y Thuy Niê, Trưởng buôn Tung Krăk chia sẻ, hiện nay buôn Tung Krăk đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, hệ thống điện, đường, trường trạm; được hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cây, con giống, vay vốn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Nhờ đó, bộ mặt buôn làng ngày càng đổi mới, đời sống của bà con được cải thiện và nâng lên về mọi mặt.

Được biết, buôn có 180 hộ dân, nhưng đến nay chỉ còn 10 hộ nghèo, số hộ có kinh tế khá, giàu chiếm khoảng 30%; nhiều hộ xây dựng nhà cửa khang trang, có đầy đủ các phương tiện phục vụ sinh hoạt, máy móc cơ giới phục vụ sản xuất… Số lao động trẻ đi làm việc ở các tỉnh miền Nam cũng khá nhiều với gần 100 người có mức lương ổn định khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng, góp phần giúp đỡ gia đình ở quê.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.