Multimedia Đọc Báo in

Gạo hỗ trợ đến với người dân đang gặp khó khăn

07:11, 07/09/2021

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên vừa phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện triển khai cấp phát gạo hỗ trợ của Chính phủ cho người dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong đợt này, Đắk Lắk được phân bổ hơn 534 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để cấp cho 9.981 hộ, với 35.626 nhân khẩu tại 11 huyện. Theo chế độ, mỗi nhân khẩu được hỗ trợ 15 kg gạo. Trong đó, huyện Cư Kuin hơn 12,6 tấn, Cư M’gar gần 60 tấn, Ea Kar hơn 27 tấn, Ea Súp hơn 69,5 tấn, Ea H’leo hơn 73 tấn, Krông Bông 27 tấn, Krông Búk 24 tấn, Krông Năng 73,5 tấn, Krông Pắc hơn 63,6 tấn, M’Drắk hơn 60,7 tấn và Lắk hơn 43 tấn. Riêng TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và hai huyện Krông Ana, Buôn Đôn không đề nghị hỗ trợ.

Người dân huyện Cư M'gar nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ.

Ông Lê Trinh, Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước Đắk Lắk cho hay, sau khi nhận được quyết định xuất kho của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên, đơn vị đã khẩn trương xuất gạo để kịp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.

Công tác cấp phát gạo được giám sát chặt chẽ từ kho xuất, quá trình vận chuyển, tổ chức giao gạo cho các huyện theo đúng thời gian, địa điểm quy định, bảo đảm cứu trợ kịp thời, đúng chế độ chính sách, đúng chủng loại, đủ số lượng và đúng đối tượng được nhận, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách này.

Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình giao nhận gạo cũng được thực hiện nghiêm. Tại mỗi địa phương, chính quyền thông báo khung giờ nhận khác nhau theo từng nhóm 3 - 5 người, tránh tập trung đông người và thực hiện mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện chương trình này, huyện Cư Kuin đã chủ động xây dựng kế hoạch cấp phát gạo kịp thời, bảo đảm đúng đối tượng, định mức theo quy định và phù hợp với công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Ông Ngô Tấn Lễ, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin cho hay, toàn huyện có 212 hộ, với 842 khẩu thuộc đối tượng được nhận gạo hỗ trợ. Việc rà soát đối tượng được thực hiện từ cấp thôn, buôn, xã đến huyện để bảo đảm sát nhu cầu thực tế, đúng đối tượng, số gạo được cấp.

Ở huyện Cư M’gar, địa bàn có đến 46% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của bà con càng thêm chật vật khi dịch COVID-19 lây lan. Gạo hỗ trợ của Chính phủ cấp phát kịp thời lúc này là nguồn cứu trợ, giúp họ ổn định cuộc sống, vơi đi nỗi lo thiếu ăn. Theo ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, đợt này địa phương được nhận gần 60 tấn gạo cứu đói để hỗ trợ cho 933 hộ, với 3.991 nhân khẩu. Sau khi tiếp nhận gạo, huyện nhanh chóng phân bổ, giao về các xã để kịp hỗ trợ cho người dân. Đối tượng nhận gạo cứu đói trên địa bàn là người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, bị ảnh hưởng trực tiếp, đa số là người bị giảm thu nhập hoặc mất thu nhập.

Vận chuyển gạo hỗ trợ của Chính phủ cấp phát cho người dân huyện Cư M'gar gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hộ anh Hoàng Văn Thành (dân tộc Mông, xã Ea Kiết) là hộ nghèo, nhà có 6 nhân khẩu. Vợ chồng anh có 1 ha trồng điều nhưng thu nhập chẳng là bao, phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Khó khăn càng thêm chồng chất khi đợt dịch COVID-19 thứ tư xuất hiện, không ai kêu đi làm. Được nhận 90 kg gạo hỗ trợ trong dịp này, anh xúc động cho hay, đây là “tài sản” lớn với gia đình anh lúc này. Cùng cảnh khó khăn do đại dịch gây ra, chị Lý Thị Minh (dân tộc Mông, xã Ea Kiết) chia sẻ, dịch ập đến, vợ chồng chị bị mất việc. Nhiều tháng nay cả nhà phải gắng gượng, ăn uống tiết kiệm từng đồng nhưng cũng không tránh được nỗi lo thiếu ăn. Được nhận 60 kg gạo hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng với gia đình chị lúc này.

Chính sách chăm lo, hỗ trợ gạo cho người dân khó khăn là một trong những việc làm nhân văn được Chính phủ quan tâm thực hiện từ nhiều năm nay. Với người dân nghèo, số gạo nhận được đã kịp thời giúp họ giải quyết khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.