Multimedia Đọc Báo in

Họ đã xả thân vì cộng đồng!

08:25, 10/09/2021

Cả đất nước đang trải qua những tháng ngày nóng bỏng và khốc liệt khi phải oằn mình chiến đấu giữa vòng vây của đại dịch COVID-19. Trong cuộc chiến này, dù không hề có mưa bom bão đạn nhưng vẫn phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát.

Gần 20 năm trước, vào năm 2003, đại dịch SARS đã trở thành cơn ác mộng của toàn thế giới lúc bấy giờ. Với sự ứng phó nhanh nhạy và kịp thời, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS.

Để ngăn chặn được dịch bệnh nguy hiểm này chỉ sau 45 ngày xuất hiện tại Việt Nam, mang lại sự bình yên cho toàn thể người dân trong nước, hơn 40 y bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) bị lây nhiễm bệnh, trong đó 6 y tá và bác sĩ đã phải đánh đổi bằng tính mạng của mình khi mãi mãi ra đi!

Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó là bà Trần Thị Trung Chiến, sau này từng nghẹn ngào tâm sự với báo chí: “Chứng kiến đồng chí, đồng nghiệp của mình nằm xuống, nó như vết dao cứa vào tâm can chúng tôi”. Dịch SARS được đẩy lùi, nhưng vị nữ “Tư lệnh” ngành y tế và những người thầy thuốc khác không bảo vệ được sinh mạng đồng nghiệp của mình. Sự mất mát đó là một ký ức buồn đau khiến bà không bao giờ quên được và cứ day dứt mãi cho đến tận bây giờ!

Thanh niên tình nguyện tặng nhu yếu phẩm cho người dân nghèo ở phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Vân Anh

Tại Việt Nam, sự tấn công khủng khiếp trong làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 gây nên những hậu quả tàn khốc khi đã có hơn 14.000 ca tử vong và con số này chắc chưa dừng lại. Với quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân, đội ngũ những người thầy thuốc và các lực lượng tham gia chống dịch đã phải căng mình chiến đấu đến tận cùng sức lực. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có gần 2.400 cán bộ nhân viên y tế bị lây nhiễm căn bệnh chết người này.

Nước mắt đã rơi nơi tuyến đầu chống dịch. Có những sĩ quan biên phòng, công an đã hy sinh trên trận tuyến không tiếng súng này. Tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương đã có những “chiến sĩ áo trắng” ngã xuống trong cuộc chiến với “kẻ thù” COVID-19. Nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 khi đang mang thai hơn 20 tuần tuổi. Chị đã vĩnh viễn chia xa gia đình, người thân và đồng nghiệp ở tuổi 32 trong những ngày đại dịch hoành hành, mang theo một sinh linh chưa kịp chào đời!

Những ngày qua, dư luận xót xa, thương tiếc trước thông tin anh Vũ Quốc Cường (còn gọi là Cường “béo”) ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh trong khi tham gia hỗ trợ thực phẩm cho những người khốn khó vì dịch bệnh đã bị nhiễm COVID-19 và qua đời. Anh là người gần như dành cả đời mình cho hoạt động thiện nguyện dù gia đình anh vẫn đang ở nhà thuê. Mười mấy năm qua, quán cơm chay từ thiện nằm trong ngõ hẻm của vợ chồng anh luôn là địa chỉ thân thuộc của sinh viên, học sinh và hàng ngàn người nghèo tại TP. Hồ Chí Minh. Anh là người có trái tim nhân hậu và tấm lòng bao dung, từ bi hỉ xả, luôn hướng về những phận đời nghèo khó, cơ hàn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chia buồn, động viên gia đình anh. Trong thư, Chủ tịch nước bày tỏ sự buồn thương khi biết tin anh Vũ Quốc Cường đã ra đi và gửi những lời động viên tới gia đình anh: “Những việc làm thiện nguyện cao đẹp của anh Cường như những bông hoa sen sẽ tiếp tục tỏa hương thơm, nhắc nhở và khơi dậy những trái tim nhân ái, những lẽ sống cao đẹp, cống hiến vì cộng đồng và xã hội”. Chủ tịch nước cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm trình, đề xuất tôn vinh tấm gương hy sinh, cống hiến của anh Vũ Quốc Cường. Mới đây, Chủ tịch nước đã yêu cầu cơ quan nhà nước các cấp kịp thời phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những tấm gương sáng, sẵn sàng hy sinh quên mình vì cộng đồng, những trái tim thiện nguyện đôi khi không ồn ào mà lặng lẽ đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn.

Giữa “cuồng phong” đại dịch, chúng ta đã được chứng kiến nhiều tấm lòng nhân ái, vô vàn nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam đang thầm lặng giúp đỡ đồng bào mình trong những ngày tháng cam go này. Như những “người lính” không quân hàm quân hiệu, nhiều tình nguyện viên đã xung phong lên tuyến đầu chống dịch hay dũng cảm xông pha giữa sự bủa vây của dịch bệnh để tiếp tế thức ăn, nhu yếu phẩm cho người dân vùng phong tỏa đang lâm cảnh ngặt nghèo cần cứu giúp… Cùng với các y bác sĩ đang đối mặt với hiểm nguy để ngăn chặn dịch bệnh, sự dấn thân của những cá nhân mang tinh thần và nhiệt huyết tình nguyện thuộc nhiều thành phần trong xã hội sẽ góp phần làm nên sức mạnh chiến thắng, đẩy lùi đại dịch.

Với tâm niệm “Sống là cho…”, những con người có tấm lòng cao cả đã tự nguyện phụng sự, cống hiến, xả thân vì cộng đồng và xã hội mà không hề suy tính thiệt hơn! Bởi vì, họ hiểu rằng “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” như lời tự sự trong một bài ca của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Lẽ sống nhân văn và cao đẹp đó đã trở thành một giá trị vĩnh hằng, vẫn mãi luôn lấp lánh giữa cõi đời này.

Quang Ánh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.