Multimedia Đọc Báo in

Chủ động cung ứng sách giáo khoa cho học sinh

08:24, 10/09/2021

Năm học mới đã bắt đầu, tuy nhiên nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập. Trong khi đó, các nhà sách dù nguồn hàng dồi dào lại gặp khó khi cung ứng sản phẩm ra thị trường, nhất là ở các địa phương đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ vì sách - thiết bị trường học không nằm trong danh mục hàng thiết yếu.

Tại Công văn số 8415/UBND-KGVX, ngày 2-9-2021 của UBND tỉnh về việc lùi thời gian năm học 2021 - 2022 đã nêu rõ: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc mua sắm, chuẩn bị cho năm học mới gặp nhiều khó khăn; bên cạnh đó, một bộ phận người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số không đủ điều kiện chuẩn bị cho con em để triển khai học trực tuyến. Do vậy, tạm thời lùi thời điểm bắt đầu năm học mới đến ngày 15-9 để tập trung vào công tác phòng, chống dịch, đồng thời để ngành giáo dục và người dân có thời gian chuẩn bị thật tốt mọi điều kiện cho năm học mới.

Nhân viên Nhà sách Giáo dục (TP. Buôn Ma Thuột) lựa chọn sách giáo khoa và đồ dùng học tập theo đơn hàng của phụ huynh học sinh.

Mặc dù đã lùi thời gian học, nhưng nhiều phụ huynh vẫn lo lắng bởi chưa mua được sách giáo khoa (SGK) và đồ dùng học tập cho con. Chị Vũ Thị Lương, phụ huynh có con đang học ở Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Dù đã lùi thời điểm bắt đầu năm học, nhưng đến nay tôi vẫn chưa thể mua đủ sách và dụng cụ học tập cho các cháu. Đợt trước các nhà sách đều đông, tôi không dám vào sợ dịch bệnh, đợi vài ngày bớt người thì mua, nhưng sau đó TP. Buôn Ma Thuột lại áp dụng Chỉ thị 16 nên không đi mua được nữa…”.

 
Do dịch bệnh phức tạp, nhiều nơi đang thực hiện giãn cách nên việc phát hành SGK đến học sinh còn gặp khó khăn. Chúng tôi đã triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh việc cung ứng SGK, đảm bảo các em kịp thời có sách học tập. Tuy nhiên trong thời gian tới vẫn mong các cấp, ngành tạo điều kiện, có những văn bản “mở đường” cho việc đưa SGK đến với học sinh, giáo viên…”.
 
Giám đốc Công ty Cổ phần Sách – Thiết bị trường học Đắk Lắk Trương Văn Băng

 

Lý giải việc SGK chưa đến được tay học sinh, ông Trương Văn Băng, Giám đốc Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học Đắk Lắk cho biết: Năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên việc phát hành, vận chuyển, đưa sách đến với học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện Công văn số 5331/UBND-KGVX ngày 16-6-2021 của UBND tỉnh về việc "Chấn chỉnh việc mua, bán SGK, đồ dùng học tập, tài liệu tham khảo và sử dụng các phần mềm quản lý, dạy và học tại các trường học”, năm học này việc cung ứng SGK chủ yếu thông qua kênh bán lẻ tại các nhà sách, cửa hàng, đại lý chứ không thông qua nhà trường. Mặc dù công ty có 7 nhà sách lớn cùng hơn 400 đại lý trên toàn tỉnh và hiện nay SGK, đồ dùng học tập đã về đến các nhà sách, đại lý nhưng lượng hàng bán ra rất chậm. Đặc biệt, đối với các địa phương thực hiện Chỉ thị 16, các cửa hàng, đại lý của công ty đã phải đóng cửa không hoạt động trong thời gian khá dài; mặt khác, đối với các khối lớp 1, 2, 6 thực hiện chương trình SKG mới, nhiều phụ huynh đợi con nhập học mới biết danh mục SGK và đồ dùng học tập cần mua… do vậy đến thời điểm này mới chỉ cung ứng đến tay học sinh được khoảng 30% SGK.

Nhân viên Nhà sách Giáo dục tiếp nhận và thực hiện các đơn hàng online, cung ứng kịp thời sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh.

Trước tình hình đó, để đảm bảo cho học sinh có SGK, đồ dùng học tập cho năm học mới, từ ngày 5-9, Công ty Cổ phần Sách – Thiết bị trường học Đắk Lắk đã triển khai chương trình bán hàng online để hỗ trợ phụ huynh học sinh trong mùa dịch. Theo đó, phụ huynh có thể liên hệ, nhắn tin qua điện thoại, Zalo, Facebook… để lên đơn hàng, sau đó nhân viên các nhà sách chọn đúng theo yêu cầu và đóng gói chuyển đi. Để việc giao hàng được thông suốt và đảm bảo, Công ty đã phối hợp với bưu điện vận chuyển theo cước phí của bưu điện với cam kết trong vòng 12 giờ chuyển đến tay phụ huynh, học sinh; riêng các đơn hàng từ 500.000 đồng trở lên, công ty hỗ trợ phí vận chuyển cho khách hàng. Từ khi mở bán online đến nay, trung bình mỗi ngày công ty giao gần 200 đơn hàng.

Vì là năm đầu tiên triển khai bán online nên công ty cũng gặp không ít khó khăn khi cung ứng sách đến với khách hàng, nhất là những địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Chị Lê Thị Linh, nhân viên bán hàng tại Nhà sách Giáo dục (Công ty Cổ phần Sách – Thiết bị trường học Đắk Lắk) cho hay: “Trong khi gọi điện thoại, nhắn tin trao đổi, tư vấn, thông tin đến khách hàng danh mục, bảng giá các loại sách vở, đồ dùng học tập cần thiết, nhân viên nhà sách cố gắng cụ thể, rõ ràng hết mức có thể, tuy nhiên việc đặt hàng online sẽ không thể bằng việc khách hàng trực tiếp đến cửa hàng lựa chọn những sản phẩm thật ưng ý. Bên cạnh đó, với số lượng đơn hàng nhiều, khối lượng công việc lớn, mặc dù nhân viên nhà sách đã rất tích cực, làm việc gấp nhiều lần ngày bình thường, nhưng cũng chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu mua sắm online của phụ huynh, học sinh…”.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.