Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ thức ăn chăn nuôi ở khu vực bị phong tỏa

07:11, 07/09/2021

Những ngày qua, không chỉ tặng quà, hỗ trợ nhu yếu phẩm, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh còn hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, giúp người dân các khu vực bị cách ly, phong tỏa chăm sóc đàn gia súc, gia cầm.

Ở xã Cư Bao (TX. Buôn Hồ), lâu nay bà con vẫn có thói quen chăn thả gia súc nên hầu như không tích trữ sẵn thức ăn chăn nuôi. Vì thế, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội thì bên cạnh việc bảo đảm đời sống cho người dân khu vực phong tỏa, chính quyền và các đoàn thể ở đây còn huy động lực lượng chăm lo cho đàn vật nuôi của bà con.

Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ rơm khô cho Hội Nông dân huyện Krông Búk.

Ông Trương Đình Ry, Chủ tịch Hội Nông dân TX. Buôn Hồ cho biết, những ngày qua, đơn vị huy động nhiều nguồn lực khác nhau để lo thức ăn cho tổng đàn gia súc hơn 1.800 con của bà con buôn Kwang A đang bị phong tỏa.

Để người dân an tâm chấp hành tốt quy định cách ly phòng, chống dịch, Hội đã vận động các hội viên ở cơ sở hỗ trợ vườn cỏ; lực lượng thanh niên cắt, gom cỏ đưa về điểm tập kết cho trâu, bò của bà con ăn. Đồng thời, Hội Nông dân địa phương còn huy động đóng góp mua thêm rơm khô làm thức ăn cho đàn trâu, bò; kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ các xã bạn lân cận để hỗ trợ bà con.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) chia sẻ: “Là địa phương giáp ranh với xã Cư Bao (TX. Buôn Hồ) ngay khi nhận được thông tin xã bạn đang gặp khó khăn và cần một lượng lớn nguồn cỏ cho bò, chúng tôi đã kêu gọi nhân dân trên địa bàn cùng giúp sức. Với phương châm “ai có gì góp nấy”, nhà nào có cỏ thì góp cỏ, có cây bắp góp cây bắp, hoặc dây khoai lang, cây chuối... đều mang đóng góp, động viên bà con buôn Kwang A vượt qua dịch bệnh. Đoàn viên thanh niên xã Cuôr Đăng cũng không ngại khó, sẵn sàng lên tận rẫy của người dân cắt cỏ đem về”.

Tại huyện Krông Búk, một số thôn, buôn đang bị phong tỏa cùng với việc huyện đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến địa phương cần lượng lớn nguồn thức ăn cho gia súc.

Trước tình hình đó, cán bộ Hội Nông dân huyện tích cực phối hợp với Đoàn Thanh niên đảm nhận việc xin “đồ cứu trợ cho đàn gia súc” bằng cách sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo... kêu gọi sự giúp sức từ mọi người.

Bà Cao Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Búk cho hay: “Trước mắt, địa phương tận dụng nguồn lực sẵn có tại cơ sở để bảo đảm kịp thời nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong vùng cách ly. Cùng với đó, Hội cũng kêu gọi các đơn vị kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn hỗ trợ cám cho heo, gà”.

Đoàn thanh niên xã Cuôr Đăng (Cư M’gar) cắt cỏ hỗ trợ thức ăn cho gia súc của người dân xã Cư Bao.

Được biết, nhằm chủ động hỗ trợ thức ăn gia súc, gia cầm cho người dân vùng phong tỏa, hộ gia đình phải đi cách ly tập trung, Hội Nông dân tỉnh đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc hội nông dân cấp cơ sở chủ động, kêu gọi các hội viên trên địa bàn giúp nhau bằng cách hỗ trợ ngày công chăm sóc cây trồng, vật nuôi; thu hoạch nông sản cho những hội viên phải đi cách ly tập trung, trong vùng phong tỏa.

Theo bà Lại Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Hội đã trực tiếp vận động nhu yếu phẩm, vật dụng y tế, thức ăn cho gia súc, gia cầm và tiền mặt hỗ trợ các hộ khó khăn với tổng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tùy vào nhu cầu của từng địa phương cần nhu yếu phẩm tặng người dân hay thức ăn cho gia súc, gia cầm, Hội sẽ có cách hỗ trợ phù hợp.

Đan Thanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.