Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, góp phần bảo vệ môi trường

06:57, 21/09/2021

Từ nhiều nguồn lực, chương trình hỗ trợ, tỷ lệ hộ gia đình (nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng, sâu, vùng xa) có nhà tiêu hợp vệ sinh hằng năm tăng đáng kể, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới được triển khai thực hiện tại các xã vùng nông thôn từ năm 2016 - 2020. Trong chương trình này, hợp phần vệ sinh nông thôn (gồm hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình, xây dựng công trình cấp nước và nhà vệ sinh trạm y tế xã) hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo 4.400 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ gia đình vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh (với số tiền hỗ trợ 50 USD/nhà vệ sinh).

Kết quả, đến cuối năm 2020, chương trình đã hỗ trợ xây dựng được 4.040 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ dân, góp phần giảm tình trạng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh như thương hàn, tiêu chảy, lỵ, sốt rét… và một số bệnh thường gặp đối với trẻ em, phụ nữ; giảm chi phí khám chữa bệnh cho gia đình và xã hội, tăng cường sức khỏe cho người dân.

Một hộ nghèo ở xã Ea Uy (huyện Krông Pắc) được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Chị Võ Đức Nam (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) – một trong những hộ được hỗ trợ chia sẻ, vợ chồng chị đều làm công nhân cao su nên cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn, căn nhà nhỏ đang ở phải dựng nhờ trên lô đất cao su của công ty. Do đó, khi được Chương trình hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh chị rất vui, bởi trước đây, khi không có nhà vệ sinh, mỗi lúc cần phải đi ra vườn rất bất tiện và mất vệ sinh, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên đành chịu.

Hay như ở huyện Krông Pắc, để giúp các địa phương thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong phong trào xây dựng nông thôn mới, từ giữa tháng 5-2019, UBND huyện Krông Pắc đã vận động cả hệ thống chính trị và kêu gọi các nguồn lực khác hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh cho hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn huyện với số tiền hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ. Trong đó, ngoài ngân sách huyện hỗ trợ 600 triệu đồng, còn lại UBND huyện đã kêu gọi, vận động mỗi cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học, UBND các xã, thị trấn, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng tối thiểu 1 nhà vệ sinh cho hộ nghèo.

Ngoài ra, các tổ chức, đoàn thể khác như Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên các cấp cũng đã tham gia đóng góp, kêu gọi nguồn lực hỗ trợ, vay vốn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ nghèo ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, Hội LHPN huyện đã có nhiều cách làm thiết thực hỗ trợ cán bộ, hội viên phụ nữ xây dựng nhà vệ sinh như: trích kinh phí hoạt động của Hội; đứng ra thế chấp vay vốn ngân hàng; vận động cán bộ, hội viên đóng góp; huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp… Qua đó, trong 5 năm (từ 2015 - 2020) các cấp hội đã hỗ trợ xây dựng được 4.000 công trình vệ sinh cho phụ nữ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar) kiểm tra việc hỗ trợ xây nhà vệ sinh từ Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới.

Điều đáng mừng hơn là thông qua các chương trình hỗ trợ đã góp phần thay đổi tập quán sinh hoạt cũng như việc thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở nhiều xã. Trước đây, việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở nhiều địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một bài toán nan giải. Nhưng từ khi triển khai chương trình ở nhiều thôn, buôn và có hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu, nhận thấy rõ lợi ích với sức khỏe, môi trường mà nó mang lại, nhiều gia đình đã thay đổi nhận thức và tự động làm theo mà không chờ sự hỗ trợ.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.