Multimedia Đọc Báo in

Hướng mới trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở đô thị

15:01, 26/09/2021

Tính đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 1.700 trường hợp mắc COVID-19; tâm điểm dịch bệnh chủ yếu vẫn rơi vào các khu vực đô thị, khu dân cư, cũng là những điểm nhấn kinh tế của địa phương. Điều này đòi hỏi chính quyền và người dân phải lập tức thích ứng, chuyển hướng theo tình hình mới, áp dụng các biện pháp vừa ngăn chặn hữu hiệu “cơn sóng” dịch bệnh mà vẫn bảo đảm hoạt động sản xuất.

Thay đổi phương án  phòng, chống dịch

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo mới về công tác phòng, chống dịch quốc gia, yêu cầu thay đổi phương án sang dung hòa tình hình, căn cứ thực tiễn cơ sở để có giải pháp phù hợp hơn. Điều này dựa vào thực tế dịch bệnh hiện nay đã lây lan mạnh, có nhiều biến chủng rất phức tạp và cơ chế lây nhiễm không thuần túy qua tiếp xúc trực tiếp nữa.

Theo đó, tiêu chí hành động được đặt ra là “phong tỏa hẹp, cách ly điểm và duy trì xét nghiệm diện rộng”. Các địa phương trong cả nước đã lập tức có thay đổi với định hướng mới này. Những hạn chế nảy sinh trong giai đoạn trước đã được chỉ rõ: việc cách ly, phong tỏa diện rộng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp tại các khu vực “điểm nóng”. Phạm vi rộng, nhiều khu vực dân cư đã không kiểm soát được sinh hoạt của người dân dẫn đến những chủ quan không liệu định được và làm dịch bệnh bùng phát dữ dội hơn, cho dù các hàng rào kiểm soát được bố trí dày đặc.

Từ ngày 21-9, TP. Buôn Ma Thuột chỉ còn áp dụng các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đối với buôn Ea Bông và thôn 7, xã Cư Êbur. (Trong ảnh: Lấy mẫu xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 tại xã Cư Êbur). Ảnh: Kim Hoàng

Thay đổi thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tế, điều chỉnh công tác phòng, chống dịch thu gọn lại dạng hẹp, thực chất kiểm soát cụ thể tình hình chứ không thể chung chung “một xã có ca nhiễm, cách ly cả huyện” nữa. Như vậy, đối với một ca nhiễm xuất hiện, các địa phương phải khoanh vùng rõ đối tượng hơn, cảnh báo cách ly ở phạm vi nhỏ nhất theo địa giới hành chính, nghĩa là trách nhiệm chính quyền, lực lượng chức năng phải nặng nề hơn; song giúp giảm thiểu những hao tổn nảy sinh, từ kinh phí chống dịch đến tâm lý lo lắng chờ đợi của người dân sở tại.

Quan trọng là trong hướng đi mới này, cách ly phong tỏa diện hẹp thì công tác xét nghiệm đại trà vẫn cần duy trì để nắm bắt, phát hiện ngay các dấu hiệu ổ dịch, chuỗi lây trong cộng đồng. Có như vậy, việc ngăn ngừa sẽ hữu hiệu hơn, nhất là ở những khu dân cư, khu đô thị đông người. Thực tế tại TP. Buôn Ma Thuột, TX. Buôn Hồ, hai “điểm nóng” dịch bệnh hiện nay ở Đắk Lắk đang cho thấy điều đó. Nếu không khoanh hẹp sẽ lãng phí nguồn lực, song việc xét nghiệm đại trà sẽ giúp các đô thị bóc tách rõ nguồn cơn lây nhiễm trong cộng đồng để kiểm soát hiệu quả tình hình.

Tích cực thực hiện “mục tiêu kép”

Trong khi đẩy mạnh hơn nữa công tác chống dịch, các địa phương vẫn phải duy trì tốt “mục tiêu kép”. Đây là đòi hỏi không đơn giản nhưng với thay đổi theo tình hình mới, giải pháp thực thi lại thuận lợi hơn.

Tại TX. Buôn Hồ, cho dù con số ca nhiễm vẫn phát sinh, chính quyền cơ sở vẫn xác định tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa luân chuyển, đảm bảo việc làm ăn của người dân được ổn định. Nếu trước đây phong tỏa rộng sẽ giới hạn sự đi lại, vận chuyển hàng hóa trong dân, thì hiện nay việc khoanh vùng cụ thể đối tượng nghi nhiễm thu nhỏ lại, tạo điều kiện cho các cơ sở doanh nghiệp và hộ gia đình có phương án phòng dịch hữu hiệu được tiếp tục ổn định sản xuất. Chỉ nói riêng các trang trại sầu riêng, bơ tại địa bàn, do đang mùa thu hoạch cuối vụ nên chỉ cần ách tắc vận tải, ảnh hưởng kinh tế địa phương sẽ rất lớn. Khi chính quyền chỉ đạo kiên trì giám sát dịch bệnh vừa tạo điều kiện cho hàng hóa luân chuyển nhanh, gút mắc vận tải đã được tháo gỡ, lượng hàng hóa khu vực TX. Buôn Hồ và phụ cận vẫn gia tăng xuất ra ngoài, đảm bảo “mục tiêu kép” bền vững.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, chỉ đạo khoanh nhỏ các khu vực cách ly theo tình hình mới cũng giúp cải thiện tâm lý người dân thành phố, vừa tăng cường rách nhiệm và ý thức tự phòng dịch cho mình, vừa thuận lợi duy trì sinh hoạt. Các khu, tổ dân phố cho đến nay đều ghi nhận hoạt động ổn định. Các khu vực phải giãn cách, cách ly đều nhận được hỗ trợ kịp thời lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, các khu vực khác lại bình ổn sinh hoạt, người dân đi lại thuận tiện, nhịp điệu sản xuất không bị xáo trộn lớn.

Theo ghi nhận từ các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, một số tiêu chí áp dụng trước đây như phân "vùng xanh, đỏ", cấp giấy đi đường cho người dân cũng đang được đánh giá lại để dần dần thay bỏ. Các địa phương đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thay đổi hướng giám sát, xác minh từng người dân qua giấy tờ tùy thân để yêu cầu giới hạn đi lại, nếu đang ở khu vực nguy cơ cao; và khuyến khích người dân xây dựng lộ trình đi lại, sinh hoạt phù hợp tình hình, nếu đang ở khu vực an toàn. Việc tổ chức phong tỏa hẹp cũng giúp giảm đi các chốt chặn, rào cản ở các trục giao thông đô thị, tạo tâm lý tích cực hơn cho người dân, cũng như giảm tải cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Rõ ràng thay đổi kiểm soát của các đô thị trong tình hình mới, đang đánh dấu kết quả tích cực hơn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay, đúng trọng tâm và trọng điểm hơn để sớm chiến thắng dịch bệnh.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.