Multimedia Đọc Báo in

Khẩn trương ứng phó với mưa lũ

16:04, 18/10/2021

Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có mưa to đến rất to kéo dài trên diện rộng đã gây ngập lụt cục bộ tại một số địa phương.

Xã Cư Kbang là địa bàn bị ảnh hưởng nặng nhất bởi mưa lũ tại huyện biên giới Ea Súp. Nước đổ về từ thượng nguồn kèm theo mưa lớn trên địa bàn xã, nên từ sáng 16-10, nước lũ trên địa bàn xã lên nhanh đã khiến nhiều khu vực ngập cục bộ.

Có khoảng 30 ngôi nhà của người dân bị ngập trong nước lũ, chủ yếu tại thôn 5 và khu vực gần suối Ea Khal. Nhiều diện tích lúa mới gieo sạ và hoa màu của người dân cũng bị ảnh hưởng.

Bà Trương Thị Ón (thôn 5A) thất thần kể: “Nước lũ đổ về rất nhanh, tôi ở nhà với đứa cháu 10 tuổi nên trở tay không kịp, tủ lạnh, bếp gas bị ngập, mấy bao lúa để ăn cũng ướt nhẹp, giờ nhà chẳng còn gì ăn”.

Nhiều khu dân cư ở  xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) bị ngập trong nước lũ. Ảnh: Minh Thông

Ở gần đó, Ông Triệu Văn Sầm (thôn 5) cũng đang tất bật nhặt nhạnh những đồ đạc chưa bị nước cuốn. Ông cho hay, ở đây mưa suốt đêm qua, sáng nay thì nước bắt đầu lên, các vật dụng trong nhà ướt hết, mấy chục con gà, vịt bị cuốn trôi, phân bón và bắp để trong nhà cũng ướt sạch. Tuy nhiên, điều ông lo lắng nhất là gần 1 ha lúa của gia đình mới sạ được 2 tháng bị ngập hoàn toàn, nếu ngập lâu sẽ thiệt hại nặng.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Cư Kbang, ngay sau khi lũ lên, lực lượng chức năng của huyện, xã đã hỗ trợ di dời người dân bị cô lập tại các khu vực đến nơi an toàn. Trước mắt, địa phương sẽ bảo đảm đời sống cho người dân và các hộ gia đình bị ngập. Đồng thời, thống kê thiệt hại tài sản, vật chất của bà con để báo cáo, đề nghị cấp trên hỗ trợ nhằm giúp bà con sớm ổn định sản xuất.

Người dân xã Cư Kbang, huyện Ea Súp di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt. Ảnh: Minh Thông

Tính đến 7 giờ ngày 17-10, đã có 390 hộ dân trên địa bàn huyện Ea Súp bị ngập, phải di dời. Cụ thể, tại xã Cư Kbang có 31 người bị cô lập tại suối 31 đã được hỗ trợ đưa về vùng an toàn.

Tại thị trấn Ea Súp, khu vực thôn 3, 4, 6, 8, 9 dọc theo suối Ea Súp xảy ra ngập cục bộ nhiều vị trí làm 20 hộ dân bị ngập sâu và bị chia cắt. Ngoài ra, xã Ea Rốk có 279 hộ bị ngập, xã Ea Bung: 58 hộ, xã Ia Jlơi: 12 hộ.

Về giao thông, xã Ya Tờ Mốt bị cô lập, chia cắt hoàn toàn; đường liên xã Cư Kbang - Ea Rốk bị ngập sâu, xói mòn; đường liên xã Ea Rốk - Ia R'vê ngập sâu 2 - 3 m; cầu dân sinh thôn Bình Lợi, xã Cư Mlan đi xã Ea Nam (huyện Ea H’leo) bị cuốn trôi; Quốc lộ 14C thuộc thôn Đai, thôn Chiềng, xã Ia Lốp cũng bị ngập khiến phương tiện lưu thông khó khăn.

Bên cạnh đó, mưa lũ cũng làm thiệt hại hơn 1.800 ha lúa, hoa màu; 918 con vật nuôi của người dân trên địa bàn huyện bị chết và cuốn trôi.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đề nghị các đơn vị vận hành hồ chứa cần tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, đặc biệt là theo dõi lượng nước đầu nguồn đổ về hồ để có phương án ứng phó, điều tiết xả nước phù hợp với tình hình; khi có kế hoạch xả nước phải thông báo ngay cho người dân và chính quyền địa phương để chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai.

Ngay khi xảy ra mưa lũ gây ngập lụt trên địa bàn, UBND huyện Ea Súp đã huy động lực lượng hỗ trợ di dời người và tài sản của bà con ở vùng thấp đến nơi an toàn.

Bên cạnh đó, các xã cũng bố trí lực lượng túc trực, ứng cứu và tuyên truyền, vận động người dân ở vùng có nguy cơ ngập chủ động chuyển đến nơi cao hơn.

Mưa lũ trong những ngày tới có thể còn tiếp diễn, do đó, các địa phương ở vùng trũng, thấp đang triển khai phương án ứng phó với mưa lũ, trong đó quán triệt tinh thần phải quyết liệt di dời người và tài sản của nhân dân về nơi an toàn khi xảy ra mưa lũ, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cũng trong đêm 15 tới rạng sáng 16-10, trên địa bàn huyện Ea H’leo cũng có mưa lớn (lượng mưa đo được từ 184 – 132 mm), gây ngập úng ở vùng trũng, thấp ven các suối tại các xã Cư Mốt, Ea Khal, Ea Wy, Cư Amung. Toàn huyện có 27 nhà bị ngập; trên 60 ha cây hằng năm và cây công nghiệp bị ngập.

Ngoài ra, mặt đập Phước Vân (dài 200 m, rộng 4 m) bị lầy lội, tạo thành các rãnh, vũng lầy (sâu từ 40 – 60 cm) suốt chiều dài mặt đập và đoạn đường xuống đập khoảng 1.200 m hư hỏng, khó đi lại.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thông báo, yêu cầu các hộ dân ở vùng trũng thấp di dời tài sản, gia súc, gia cầm lên nơi an toàn. Với tuyến đường, cầu bị ngập, lực lượng chức năng tổ chức chốt chặn, không cho người dân và phương tiện qua lại.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và đoàn công tác của tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ tại huyện Ea Súp. Ảnh: Minh Minh

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ngay khi mưa lũ gây ngập lụt tại nhiều địa bàn, các địa phương đã khẩn trương triển khai, thực hiện phương án ứng phó thiên tai; UBND các huyện đã chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục thiên tai; kịp thời vận động nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định tình hình để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra; thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở nhân dân chú ý, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, trường hợp cần thiết phải chủ động di dời người dân đến nơi an toàn.

Ngày 17-10, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã đi kiểm tra công tác ứng phó với thiên tai tại một số địa bàn. Đồng chí đề nghị các địa phương cần tiếp tục thực hiện cấp bách các biện pháp phòng, chống thiên tai; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai; bố trí lực lượng và phương tiện túc trực tại các khu vực xung yếu để hướng dẫn người và phương tiện qua lại và sẵn sàng ứng phó với các tình huống; triển khai các lực lượng để sơ tán người, tài sản của người dân đến nơi an toàn; di dời các hộ dân có nguy cơ bị ngập đến khu vực cao.

Minh Thông – Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.