Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Hướng đến thực hiện “vệ sinh toàn xã” bền vững

15:56, 18/10/2021

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Ea Kar đã nỗ lực triển khai kịp thời và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” (gọi tắt là Chương trình).

Xã Cư Ni hiện có trên 4.100 hộ, sinh sống ở 23 thôn, buôn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 20%. Thời điểm được chọn tham gia Chương trình năm 2018, toàn xã chỉ có 58,8% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 75% số hộ có điểm rửa tay bằng xà phòng, 72% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thấp, chỉ đạt hơn 51%.

Việc vận động người dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh gặp nhiều trở ngại do đời sống của các hộ còn khó khăn, nhiều hộ chỉ dựng tạm bằng ván, tôn sơ sài hoặc đào hố rồi quây lại bằng bạt ở ngoài vườn gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, tỷ lệ người dân bị nhiễm các bệnh về đường tiêu hóa cao...

Công trình cấp nước và vệ sinh của Trạm Y tế xã Cư Ni (huyện Ea Kar) được đầu tư nâng cấp, sửa chữa từ nguồn vốn của chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả.

Để triển khai thực hiện Chương trình, trạm y tế và các đoàn thể, ban tự quản thôn, buôn phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện vệ sinh môi trường bằng nhiều hình thức như tổ chức sự kiện truyền thông, phát tờ rơi, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, treo băng rôn tại nơi công cộng, tư vấn trực tiếp nhằm thay đổi hành vi, tập quán sinh hoạt hằng ngày của người dân; khảo sát nhu cầu xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh của các hộ để có biện pháp hỗ trợ…

 

Tiếp tục triển khai Chương trình, năm 2021, huyện Ea Kar tập trung thực hiện “vệ sinh toàn xã” bền vững tại 5 xã: Cư Yang, Cư Ni, Ea Tih, Cư Huê, Ea Păl nhằm duy trì và nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, nhà tiêu hợp vệ sinh, có điểm rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của Chương trình, xã Cư Ni còn có 6 trường mầm non, tiểu học và trạm y tế xã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước, vệ sinh, có điểm rửa tay bằng xà phòng; 200 hộ được hỗ trợ làm nhà tiêu hợp vệ sinh với kinh phí trên 225 triệu đồng.

Ngoài ra, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ trong xã đã tự đầu tư xây mới, nâng cấp công trình vệ sinh và thiết lập các điểm rửa tay bằng xà phòng. Đến cuối năm 2020, toàn xã có trên 88% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, 77% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 86,4% hộ có điểm rửa tay bằng xà phòng. Xã Cư Ni được công nhận đạt “vệ sinh toàn xã”.

Từ năm 2018 đến 2020, huyện Ea Kar đã triển khai Chương trình tại 10 xã gồm: Cư Huê, Ea Păl, Cư Yang, Ea Tih, Cư Ni, Xuân Phú, Ea Sar, Cư Prông, Ea Ô, Cư Elang.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea Kar Đỗ Xuân Lộc cho biết, khi triển khai Chương trình, huyện gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, dân cư đông; trình độ dân trí của một bộ phận dân cư còn thấp, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc không quan tâm đến việc xây dựng nhà vệ sinh hộ gia đình; kỹ năng truyền thông, đánh giá của một số cán bộ cơ sở còn hạn chế. Bên cạnh đó, kinh phí hằng năm cấp muộn và chưa đáp ứng nhu cầu nên đã ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng Chương trình...

Công trình vệ sinh của Trạm Y tế xã Ea Păl (huyện Ea Kar) được đầu tư nâng cấp, sửa chữa từ nguồn vốn của chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả

Khắc phục những khó khăn đó, UBND huyện Ea Kar đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và giám sát Chương trình, tập huấn cho cán bộ xã và cán bộ y tế cơ sở, tổ chức truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền vận động tại cộng đồng, ký văn bản cam kết thực hiện Chương trình, phối hợp tổ chức kiểm đếm các chỉ tiêu và giám sát để duy trì tính bền vững với các xã đã đạt “vệ sinh toàn xã”.

Nhờ vậy, huyện Ea Kar đã triển khai hoàn thành Chương trình theo kế hoạch đề ra. Tính đến nay, toàn huyện đạt tỷ lệ 67,3% hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% trạm y tế và 94,9% trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh. Qua kết quả kiểm đếm tháng 7-2021, toàn huyện có 10/10 xã đạt “vệ sinh toàn xã”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.