Multimedia Đọc Báo in

Đoàn kết một lòng chống “giặc COVID” (kỳ 3)

15:49, 18/10/2021

Kỳ cuối: Những hạt nhân chống dịch ở cơ sở

Gần dân, sát dân, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc, khó khăn của người dân, những đảng viên, cán bộ ở cơ sở, người có uy tín... đã thể hiện và khẳng định rõ nét vai trò, đóng góp của họ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Bí thư chi bộ “5 trong 1”

Buôn Ea Nho (xã Cư Kpô, huyện Krông Búk) có 149 hộ, 560 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%. Dịch bệnh ập đến bất ngờ, cuộc sống của người dân trong buôn bị đảo lộn. 109 hộ với 397 khẩu của buôn phải thực hiện phong tỏa, cách ly y tế khiến công việc của cấp ủy, ban tự quản, các đoàn thể và tổ COVID-19 cộng đồng buôn ngày một nhiều hơn.

Ông Đinh Công Việc (bên phải) nắm tình hình hỗ trợ thức ăn chăn nuôi để giúp đỡ các hộ dân khu vực phong tỏa.

Một mình gánh trên vai 5 trách nhiệm, vừa là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ dân vận, người có uy tín buôn Ea Nho lại là thành viên Đội công tác 253 xã Cư Kpô, ông Đinh Công Việc (dân tộc Mường) tất bật cả ngày lẫn đêm với những công việc không tên.

Sinh sống ở buôn đã 26 năm, ông thuộc nằm lòng hoàn cảnh của từng hộ trong buôn. Vì vậy, khi xảy ra dịch bệnh, ông Việc trở thành “mắt xích” quan trọng trong công tác phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức truy vết, phân loại các F. Không chỉ tham gia trực tại chốt kiểm soát dịch, ông Việc còn thường xuyên cùng các tổ lưu động đi tuần tra, kiểm soát đường ngang ngõ dọc trong buôn, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm quy định 5K.

Ban đầu, nhiều bà con trong buôn chưa chịu đeo khẩu trang vì vướng víu, khó chịu hoặc vẫn giữ thói quen tụ tập, trò chuyện. Ông Việc đã cùng các thành viên tổ dân vận, tổ COVID-19 cộng đồng nhắc nhở, phân tích cặn kẽ lợi ích của việc đeo khẩu trang, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, các quy định phòng, chống dịch. Dần dần, bà con cũng hiểu, tự giác thực hiện và thay đổi một số thói quen nhằm thích ứng với tình hình mới.

Bên cạnh đó, ông Việc còn rà soát, nắm bắt những trường hợp khó khăn để đề xuất Ban Chỉ đạo xã hỗ trợ. Những cuộc điện thoại lúc nửa đêm hay giữa giờ cơm trưa với giọng khẩn thiết báo đủ loại thông tin: con không có sữa uống, nhà không còn gạo ăn, vợ đến ngày sinh đẻ, trâu bò thiếu rơm, cỏ ... đều được ông tiếp nhận, xử lý thấu đáo.

Cùng với sự chỉ đạo, vào cuộc của lực lượng chức năng, ông Việc đã cùng cấp ủy, ban tự quản, Mặt trận và các đoàn thể buôn phát huy tốt vai trò “pháo đài” chống dịch, đưa buôn Ea Nho trở về "vùng xanh" trên bản đồ COVID-19.

Nữ trưởng ban Công tác Mặt trận đa năng

Buôn Ktơng Drun là một trong những buôn “vùng đỏ” của xã Cư Né (huyện Krông Búk). Muốn khoanh vùng, dập dịch, công tác truy vết cực kỳ quan trọng. Là người dân tộc tại chỗ, sinh ra, trưởng thành từ buôn làng, thông thạo cả tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ thông lại đảm nhận vai trò Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận buôn Ktơng Drun, chị H’Sơ Bát Niê đi tiên phong trong công tác lập danh sách, tuyên truyền, vận động bà con tham gia test nhanh kháng nguyên, truy vết, xác định các trường hợp tiếp xúc.

Chị H’Sơ Bát chia sẻ: “Những ngày đầu việc chồng việc, cả hệ thống chính trị làm xuyên đêm. Bà con chưa hiểu hết về sự nguy hiểm, lây lan của dịch bệnh nên việc hợp tác để truy vết gặp nhiều trở ngại. Để xác định đúng tên, tuổi của bà con trong buôn là cả vấn đề, nhiều người có tâm lý lo sợ không nói thật, nói hết thông tin hoặc chỉ nói là Ama này, Amí nọ, nếu không thực sự am hiểu đời sống đồng bào thì rất khó phân biệt được”.

Chị H'Sơ Bat Niê (giữa) tham gia hỗ trợ công tác xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân buôn Ktơng Drun (xã Cư Né, huyện Krông Búk).

Với sự hỗ trợ của chị H’Sơ Bát, các trường hợp F1 của buôn nhanh chóng được xác định và đưa đi cách ly tập trung. Cũng ngay sau đó, toàn buôn được phong tỏa, việc triển khai test nhanh cho toàn bộ người dân trong buôn cũng thuận lợi, bà con đều đồng thuận, chấp hành nghiêm.

Nắm bắt nội tình trong buôn có tình trạng trách móc nhau làm cho dịch bệnh lây lan để mọi người phải chịu cảnh bệnh tật, phong tỏa, cách ly, chị H’Sơ Bát lại cùng với cấp ủy, ban tự quản, thành viên tổ COVID-19 cộng đồng tỏa đi tuyên truyền cho bà con hiểu dịch bệnh không thể lường trước được, chỉ có thể cố gắng thực hiện 5K để phòng, chống dịch, chính quyền địa phương không bỏ rơi ai. Kiên trì, bền bỉ “rỉ tai” từng hộ, dần dần bà con cũng hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh, nâng cao ý thức phòng, tránh.

Chị H’Sơ Bát xông pha tại tâm dịch, chồng chị - anh Kpa Y Khơm cũng tham gia trực tại chốt kiểm soát nên phải gửi hai con nhỏ nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Dẫu biết nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao, con còn nhỏ nhưng chị không nề hà, e ngại, sẵn sàng khoác lên người bộ đồ bảo hộ kín mít để làm những việc cần làm, gặp gỡ, vận động từng trường hợp. Bởi chị ý thức được rằng mình là cán bộ cơ sở, gần dân nhất mà không làm thì ai làm.

Người giáo dân năng nổ

Hơn 10 năm làm Trưởng Ban Công tác mặt trận rồi chuyển sang đảm nhận Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Hòa Nam 1 (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn), ông Ngô Mạnh Thắng luôn được chính quyền địa phương và bà con giáo dân tin tưởng, quý mến.

Làm công tác hội khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp, công việc của ông Thắng thêm bận bịu, nào là tham gia tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định 5K, rà soát, thống kê danh sách người cao tuổi, những trường hợp đủ điều kiện ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19.

Ban đầu, nhiều cụ tuổi cao, có một số bệnh nền rất e ngại việc tiêm phòng vì lo sợ không may bị biến chứng. Vì vậy, khi đi rà soát, ông Thắng luôn phân tích cặn kẽ cho người dân hiểu “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”, mọi loại vắc xin đều được kiểm duyệt kỹ càng trước khi đưa vào sử dụng, được tiêm vắc xin sẽ nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể... Nhờ vậy, từ chỗ còn e dè, lo lắng, đến nay, người cao tuổi trong thôn và cả con cháu, gia đình các cụ đều đồng thuận và mong chờ được tiêm vắc xin.

Ông Ngô Mạnh Thắng (bìa phải) tuyên truyền cho người cao tuổi về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Là một giáo dân, cán bộ cơ sở năng nổ, nhiệt tình, khi được linh mục, chủ tịch hội đồng Giáo xứ Hòa Nam và chính quyền địa phương tin tưởng chọn cử tham gia và làm tổ trưởng Tổ tự quản thôn Hòa Nam của mô hình Giáo xứ 3 an toàn, ông Thắng vui vẻ nhận lời.

Tuy mới đi vào hoạt động, bước đầu, tổ đã góp phần quản lý tình hình an ninh trật tự các thôn Hòa Nam 1, Hòa Nam 2 và Hòa Phú; phối hợp cùng các tổ COVID-19 cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch, rà soát, nắm bắt danh sách những người của địa phương đi làm ăn xa, giám sát những trường hợp cách ly tại nhà...

Song song với công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, ông Thắng đã phát huy vai trò của mình trong công tác vận động nhân dân đóng góp xây dựng hội trường thôn, 4 tuyến đường bê tông, kéo điện chiếu sáng, xóa 1 điểm đen về rác thải, đề xuất xây dựng cơ cấu bộ máy cán bộ của thôn phù hợp... góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.