Multimedia Đọc Báo in

Mong con em được an toàn trở lại trường

07:30, 30/10/2021

Tuần rồi, khi TP. Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội, tôi đã thực hiện điều mà các con tôi mong mỏi: chở chúng đến trường. Ngôi trường sau hơn 5 tháng vẫn thế, nhưng quang cảnh quạnh quẽ vì thiếu vắng học sinh.

Cánh cổng trường vẫn đóng kín, bác bảo vệ bảo về đi chứ vì quy định không cho phép học sinh, phụ huynh vào trường thời điểm này. Bố con tôi về, nhưng các con tôi vơi đi phần nào nỗi nhớ ngôi trường thân yêu.

Nhiều tháng qua, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, trên các ngả đường, góc phố thiếu vắng hẳn bóng dáng trẻ em. Những ngày giãn cách xã hội, chỉ có người lớn mới được ra đường khi có việc cần thiết. Đâu rồi cảnh những ông bố, bà mẹ sáng sớm dắt tay con vào quán ăn rồi hối hả đến trường? Đâu rồi cảnh mỗi giờ tan học, học sinh ríu rít bên cha mẹ trên đường về? Đâu rồi các sân trường ồn ã tiếng học sinh nói chuyện, vui đùa?

Quả thật, sau những ngày tháng dài nhìn bọn trẻ bị “giam chân” trong nhà, chỉ tiếp xúc với bạn bè, thầy cô qua màn hình máy tính, điện thoại mới thấy những ngày tháng các em được tung tăng đến trường, ngồi trong lớp học giữa bạn bè, thầy cô quan trọng đến nhường nào.

(Ảnh minh họa: Internet)
(Ảnh minh họa: Internet)

Nhưng, khi mức độ phủ vắc xin cho người lớn càng rộng thì nỗi lo liên quan đến sự an toàn của con trẻ lại nhân lên khi chúng chưa được tiêm phòng. Giờ đây, khi có chủ trương rồi thì tiêm loại vắc xin nào, mức độ an toàn đến đâu tiếp tục là câu chuyện thời sự của các ông bố, bà mẹ những ngày qua.

Mỗi người có suy nghĩ, quan điểm khác nhau nhưng tất cả đều có chung đáp án: bảo vệ trẻ em hữu hiệu nhất vẫn là tiêm vắc xin. Chỉ khi được trang bị “lá chắn” vắc xin thì con em chúng ta mới an toàn bước ra khỏi nhà, đến trường. Nếu không, chỉ cần một trường có ca nhiễm COVID-19 sẽ lập tức phải đóng cửa không biết bao giờ mới mở trở lại. Hiện nay, theo thống kê đã có hơn 23 tỉnh thành trong cả nước cho phép học sinh đến trường. Song, không ít nơi đã đóng cửa trở lại vì phát hiện ca nhiễm, như ở một số địa phương thuộc tỉnh Phú Thọ hay huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).

Đại biểu Quốc hội, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, đối với trẻ ở độ tuổi 16 - 18, đang là học sinh cấp 3 thì cơ thể đã phát triển hoàn chỉnh, nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ chuyển biến nặng gần như tương đương với người lớn. Do đó, nếu có thể triển khai kế hoạch tiêm thì nên tiêm cho học sinh cấp 3 trước để các cháu sớm được đi học trở lại, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng trong cuộc đời. Còn đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên thì nên thực hiện tiêm cho những trường hợp có yếu tố nguy cơ như bị béo phì, bệnh nền…, những trường hợp khác nên dựa vào nguyện vọng, nhu cầu của gia đình.

Hôm 27-10 vừa qua, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức thí điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho hơn 1.800 trẻ từ 16 - 17 tuổi tại huyện Củ Chi và quận 1, sau đó đó sẽ rút kinh nghiệm và triển khai tại các địa phương khác. Chiến dịch tiêm vắc xin này nhận được sự đồng thuận của đa số phụ huynh. Đấy là bước ngoặt lớn về tư duy và nhận thức, bởi không chỉ ở nước ta mà tất cả các quốc gia đều rất cân nhắc khi tiến hành tiêm vắc xin cho trẻ em.

“Cho em thơ ngủ ngon/ Và vui bước sớm hôm tới trường”. Chúng ta cùng hy vọng những phản ứng tốt từ việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em. Cùng với việc tiếp tục tăng độ phủ vắc xin ở người lớn, mong lắm đến ngày cuộc sống lao động, học tập sẽ quay trở lại bình thường!

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.