Những người lính nơi tuyến đầu chống dịch
Từ miền Trung, Tây Nguyên xung phong vào TP. Hồ Chí Minh tham gia chống dịch COVID-19, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hai tháng qua, các cán bộ, nhân viên y tế, lái xe của các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 5 thường xuyên có mặt tại các “điểm nóng”, tích cực tham gia lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân nặng, đưa những người quá cố hồi hương.
Trong cuộc chiến với “kẻ thù giấu mặt” hiểm nguy, nhiều chiến sĩ không may nhiễm bệnh nhưng khi vừa được xuất viện, các anh lại hăng hái xông pha, chung tay cùng quân dân thành phố mang tên Bác quyết tâm đẩy lùi đại dịch.
Hoàn thành chuyến xe cấp cứu, chuyển viện thứ sáu trong ngày khi trời vừa chạng vạng, nhận lệnh từ Trung tâm chỉ huy, Thượng úy Hoàng Anh Thắng, nhân viên lái xe Phòng Hậu cần (Sư đoàn 307) tiếp tục bật còi ưu tiên quay về Bệnh viện dã chiến số 10 tại phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, phối hợp cùng các nhân viên y tế đưa một cụ ông ngoài 80 tuổi mắc COVID-19 đang phải thở ô xy chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
Công việc hằng ngày của các chiến sĩ Khu 5 nơi tâm dịch TP. Hồ Chí Minh. |
Chia sẻ về công việc của mình, anh Thắng cho biết: “Khi mới vào tăng cường cho Trung tâm cấp cứu 115 (Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh), nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp nhận, chuyển viện cho các bệnh nhân nặng đang điều trị tại nhà.
Nhiều bệnh nhân có bệnh lý, bệnh nền, đi lại khó khăn, thậm chí phải nằm liệt một chỗ, sinh sống trong tòa nhà cao tầng và các con hẻm nhỏ, chúng tôi phải dùng cáng khiêng hoặc cõng họ đi mấy trăm mét ra xe, kịp thời chuyển viện.
Gần một tháng nay, khi số lượng bệnh nhân nặng điều trị tại nhà đã giảm sâu, tôi và một số anh em được cấp trên điều về tăng cường cho các bệnh viện dã chiến trên địa bàn phường An Khánh. Ở đây, nguy cơ lây nhiễm cao hơn gấp nhiều lần vì mỗi ngày phải tiếp xúc, “3 cùng” với hàng trăm bệnh nhân, với nhiều cấp độ bệnh khác nhau”.
Hôm biết tin mình nhiễm bệnh, sợ gia đình, vợ con ở nhà lo lắng, anh Thắng chẳng dám kể. Song, như có thần giao cách cảm, qua điện thoại thăm hỏi hằng ngày, thấy giọng anh khác lạ, chị Trần Thị Hương, nhân viên điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk) vẫn đoán ra ngay.
Hơn 6 năm làm vợ lính là ngần ấy thời gian chị Hương phải sống xa chồng, một mình chăm sóc các con, lo tròn đạo hiếu hai bên nội ngoại, song chị luôn cảm thấy tự hào, hạnh phúc. Thương anh và đồng đội nơi tuyến đầu vất vả, hiểm nguy, rồi không may nhiễm bệnh, chị luôn động viên anh yên tâm điều trị.
Nửa đêm, trời mưa tầm tã, vừa khử khuẩn xe, thay bình ô xy, cởi bộ đồ bảo hộ, mở nắp hộp cơm xúc được vài thìa, nhận lệnh từ Tổng đài Trung tâm cấp cứu 515, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Quang Hồi, nhân viên lái xe Phòng Hậu cần (Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 574) vội vàng lao ra xe làm công tác chuẩn bị rồi nổ máy lên đường ngay.
Chỉ cuốn sổ hành trình để ở đầu xe, anh cho biết: “Trung bình mỗi ngày xe của tôi chạy khoảng 6 - 8 chuyến, chở được 12 - 16 bệnh nhân, chủ yếu là những người cao tuổi, có bệnh lý, bệnh nền, đang trong giai đoạn nguy kịch đi cấp cứu. Những ngày đầu, do các bệnh viện thường xuyên bị quá tải nên có lúc xe phải chạy lòng vòng suốt mấy tiếng mới có nơi đồng ý tiếp nhận. Hiện nay, số ca mắc mới đã có chiều hướng giảm sâu nên việc vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân cũng thuận tiện, hiệu quả hơn trước rất nhiều. Nhiều hôm, xe cấp cứu chạy xuyên đêm, căng thẳng, mệt mỏi vô cùng song chúng tôi vẫn động viên nhau cùng cố gắng”.
Sau mỗi chuyến đi, các chiến sĩ phải vệ sinh, khử khuẩn xe, thay mới bình ô xy, chuẩn bị đầy đủ trang bị vật tư để sẵn sàng tham gia cứu giúp bệnh nhân. |
Còn Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Đoàn Ngọc Thái, nhân viên lái xe Phòng Tham mưu Lữ đoàn Thông tin 575 vẫn nhớ như in những chuyến xe chở thi hài các bệnh nhân không may qua đời từ TP. Hồ Chí Minh về Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước bàn giao cho thân nhân gia đình và các lực lượng chức năng. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm buồn song với tâm niệm nghĩa tử là nghĩa tận, giúp dân là mệnh lệnh trái tim, anh luôn cố gắng hoàn thành trọng trách được giao.
Mỗi người mỗi quê hương, mỗi đơn vị, mỗi hoàn cảnh khác nhau, song khi Tổ quốc cần họ đã hăng hái xung phong lên tuyến đầu chống dịch, để lại hình ảnh đẹp về người lính Cụ Hồ trong trái tim của hàng vạn đồng bào.
Trong cuộc chiến cam go, khốc liệt với kẻ thù giấu mặt, ngoài anh Thắng còn có 2 chiến sĩ khác trong “đoàn quân Nam tiến” của Quân khu 5 lần lượt nhiễm bệnh, thế nhưng vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, khi vừa xuất viện, các anh lại tiếp tục hành trình cứu người cao đẹp của mình.
Trọng Khang
Ý kiến bạn đọc