Những nữ cán bộ cơ sở hết lòng vì công việc
Tham gia công tác xã hội ở cơ sở giống như “vác tù và hàng tổng”, dù công việc vất vả, thù lao thấp nhưng nhiều nữ cán bộ thôn, buôn vùng sâu, vùng xa huyện M’Drắk vẫn hăng hái, nhiệt tình, hết mình vì công việc.
10 năm nay, chị H’Ten Byă được bà con buôn M’Um (xã Krông Jing) tín nhiệm bầu làm phó buôn rồi trưởng buôn. Buôn M’Um có 103 hộ với 378 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Êđê, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.
Nhận nhiệm vụ mà bà con trong buôn tin tưởng giao phó, chị H’Ten Byă luôn tâm niệm phải nỗ lực khắc phục khó khăn để cùng với Ban tự quản thôn tích cực vận động người dân trong buôn phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
Để người dân trong buôn tin tưởng và làm theo, chị H’Ten đã áp dụng những kiến thức về khoa học kỹ thuật đã được tập huấn vào sản xuất. Chị mạnh dạn trồng 2 ha keo nguyên liệu giấy xen canh cây sắn, trồng cỏ nuôi 4 con bò theo hình thức bán công nghiệp. Hiện mô hình kinh tế của gia đình chị cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.
Chị H'Ten Byă còn năng nổ trong làm kinh tế gia đình. |
Cùng với đó, chị H’Ten còn tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể, người có uy tín trong buôn vận động bà con đoàn kết giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; hưởng ứng xây dựng nông thôn mới; động viên các hộ sinh con một bề, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chỉ nên dừng ở 1 - 2 con để tập trung phát triển kinh tế gia đình. Nhờ sự tích cực, dám nói dám làm của nữ trưởng buôn, đến nay, đời sống của người dân buôn M’Um có nhiều khởi sắc. Cả buôn còn 30 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo, tỷ lệ gia đình sinh con thứ 3 giảm từ 1 - 2%/năm. Chị H’Ten còn kiêm nhiệm tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn giúp bà con tiếp cận được nguồn vốn phát triển kinh tế với dư nợ gần 1 tỷ đồng.
Năm 2013, chị Nông Thị Luôn được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Đắk Phú, xã Cư Prao. Khi đó, thôn Đắk Phú có 65 hộ, 240 khẩu với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như Nùng, Tày, Sán Dìu... khác biệt về ngôn ngữ và phong tục tập quán; địa bàn thôn rộng, cách trung tâm xã trên 15 km, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong thôn chiếm trên 70%. Cuộc sống của gia đình chị Luôn cũng rất khó khăn khi cậu con trai thứ hai (SN 2008) mắc bệnh teo não bẩm sinh, không tự chủ được sinh hoạt. Điều đó khiến chị luôn băn khoăn, trăn trở trước nhiệm vụ nặng nề được giao phó.
Chị Nông Thị Luôn thăm mô hình kinh tế của người dân địa phương. |
Tuy nhiên, được sự tin tưởng động viên của Chi bộ, Ban tự quản và nhân dân, chị Luôn đã nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Xác định đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, chị thường xuyên phối hợp với Ban tự quản thôn khuyến khích, động viên bà con tham khảo, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả ở trong và ngoài xã; chủ động tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, đưa giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Nhờ vậy, đến nay các hộ trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình đa cây, đa con; tận dụng những diện tích kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng cây ăn trái như vải, bưởi, cam, quýt… Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm xuống còn 17 hộ, chiếm 26%; trên 80% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 2,5 - 3%...
Thúy Diệp
Ý kiến bạn đọc