Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện dã chiến số 3: Bảo đảm các điều kiện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19

08:23, 17/11/2021

Bắt đầu từ 16 giờ ngày 16-11, Bệnh viện dã chiến số 3 (đặt tại Ký túc xá Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, 594 Lê Duẩn, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã tiếp nhận thu dung và điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nhằm “chia lửa” với các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng bệnh nhân liên tục gia tăng trong những ngày qua, các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh luôn ở trong tình trạng quá tải, UBND tỉnh đã nhanh chóng thành lập Bệnh viện dã chiến số 3 để thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 1.

Với quy mô 500 giường bệnh, Bệnh viện dã chiến số 3 sẽ thực hiện cách ly, chăm sóc, điều trị bệnh nhân có kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ; thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ và có bệnh lý nền ổn định; xử trí cấp cứu các bệnh lý phát sinh trong quá trình thu dung, điều trị, chủ động phân loại độ nặng các trường hợp bệnh để kịp thời chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, tập trung điều trị cho các trường hợp bệnh nặng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong do COVID-19.

Bệnh viện dã chiến số 3 chính thức thu dung bệnh nhân vào điều trị từ chiều 16-11.

Bác sĩ Trịnh Đăng Anh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3 điều trị bệnh nhân COVID-19 cho biết, ngay sau khi có quyết định thành lập, bệnh viện đã phối hợp với lực lượng quân đội tiến hành dọn dẹp vệ sinh cơ sở vật chất, khử khuẩn, chuẩn bị trang thiết bị máy móc, nhân lực sẵn sàng đưa bệnh viện đi vào hoạt động một cách tốt nhất. Đồng thời kiểm tra lại vấn đề chống nhiễm khuẩn, các phác đồ điều trị, cũng như đảm bảo chế độ ăn uống, nhu yếu phẩm, vật dụng cá nhân cần thiết cho bệnh nhân khi vào điều trị tại bệnh viện.

Bên cạnh việc đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh viện còn chú trọng phòng tránh lây nhiễm chéo trong khu điều trị cũng như trong đội ngũ nhân viên y tế. Trước khi đi vào hoạt động, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và lực lượng quân đội, dân quân tự vệ làm việc tại bệnh viện đều được tập huấn về các biện pháp giữ an toàn cho bản thân và về chuyên môn trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, tiến hành phân luồng, bố trí các khu điều trị theo nguyên tắc một chiều để tránh lây nhiễm chéo, thuận tiện cho việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân; bố trí các buồng đệm để các y bác sĩ thay đồ, vệ sinh sau khi kết thúc kíp trực.

Cùng với đó, bệnh viện cũng đã hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị để thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại theo đúng quy định, nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cả khu vực dân cư lân cận.

Ngay trong sáng 16-11, các trang thiết bị y tế đã được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 3 để sẵn sàng đi vào hoạt động.

Bác sĩ Trịnh Đăng Anh cho biết thêm, hiện tại, nguồn nhân lực làm công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 3 được huy động từ 3 đơn vị là Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, Bệnh viện Mắt tỉnh, Trung tâm Da liễu tỉnh, đảm bảo đủ đáp ứng với quy mô 500 giường bệnh. Trong trường hợp dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lượng bệnh nhân tăng cao, quy mô bệnh viện tăng lên 1.000 giường bệnh, Ban lãnh đạo bệnh viện sẽ có đề xuất với UBND tỉnh và Sở Y tế hỗ trợ thêm nhân lực.

Như vậy, sau khi Bệnh viện dã chiến số 3 đi vào hoạt động, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 7 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, với quy mô trên 3.700 giường bệnh theo mô hình tháp 3 tầng. Trong đó, tầng 1 là Bệnh viện dã chiến số 1, Bệnh viện dã chiến 2, Bệnh viện dã chiến số 3, Trung tâm Y tế huyện Krông Búk, Bệnh viện Đa khoa Khu vực 333; tầng 2 là Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh; tầng 3 là Khu điều trị hồi sức Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Tính đến chiều 16-11, Đắk Lắk ghi nhận 6.263 trường hợp mắc COVID-19, trong đó đang điều trị 2.479 trường hợp, 36 trường hợp tử vong và 3.748 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.