Multimedia Đọc Báo in

Những mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc

08:17, 17/11/2021

Xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội và phong trào phụ nữ, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Tạo cơ hội cho phụ nữ giao lưu, chia sẻ

Được thành lập từ tháng 9-2020, mô hình “Nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 8 tuổi” tại buôn Đắk Rơ Leang 1 (xã Ea Uy, huyện Krông Pắc) bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực cho các thành viên. Tham gia vào mô hình này, qua các buổi sinh hoạt định kỳ, các thành viên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý cho các tầng lớp phụ nữ tại địa phương; chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe, chế biến dinh dưỡng cho con, tiêm phòng cho trẻ, kiến thức, kỹ năng ngăn ngừa nguy cơ tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em gái, chăm sóc phát triển cho trẻ tự kỷ. Đặc biệt, bản thân những bậc cha mẹ là đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi được ý thức, thói quen không tốt trước đây.

Chị Lan, thành viên mô hình tâm sự: “Nhà có hai cháu nhỏ nhưng vợ chồng tôi đều thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ con, không hiểu được tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ qua từng giai đoạn nên không có phương pháp giáo dục con cái. Từ khi tham gia mô hình, được biết thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ các gia đình khác trong nuôi dạy con cái, chúng tôi đã thay đổi suy nghĩ, dành thời gian quan tâm đến con nhiều hơn”.

Hội viên phụ nữ xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) tham gia lớp học nghề may miễn phí do Hội LHPN huyện phối hợp tổ chức.

Nhận thức rằng xây dựng các mô hình, câu lạc bộ (CLB) xây dựng gia đình hạnh phúc là góp phần đổi mới hình thức thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ, những năm qua Hội LHPN huyện Cư M’gar đã tập trung chỉ đạo, tổ chức xây dựng, nhân rộng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các mô hình, các loại hình CLB.

Hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 250 mô hình, CLB do hội LHPN các cấp thành lập, thu hút trên 3.400 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia, tạo một luồng sinh khí mới trong cuộc sống của chị em. Các buổi sinh hoạt CLB, mô hình đầy ắp niềm vui, những tiếng hát, những tâm sự trong cuộc sống đời thường với nhiều chủ đề phong phú, sôi nổi như phụ nữ không sinh con thứ ba, phụ nữ với hạnh phúc gia đình, cách tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, cách nuôi dạy con tốt...

Trong số đó có thể kể đến như CLB “Phòng chống bạo lực gia đình” ở xã Cư Dliê M’nông, CLB “Phụ nữ với pháp luật” ở xã Quảng Hiệp đã giúp các chị em bị bạo lực gia đình có nơi chia sẻ, an ủi về mặt tình cảm và hiểu hơn về Luật Hôn nhân gia đình, bình đẳng giới.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M'gar chia sẻ: “Để phát huy hiệu quả các mô hình, CLB phụ nữ, Huyện Hội đã chỉ đạo xây dựng điểm một số mô hình, loại hình CLB ở các xã, thị trấn, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm, phổ biến hướng dẫn các cấp hội tiếp tục nhân rộng phát triển các loại hình CLB phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Thông qua các mô hình này, cán bộ hội có điều kiện thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống, nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ; chủ động kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho phụ nữ và trẻ em”.

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ bền vững

Để thực hiện tốt nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Hội xác định nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên bắt đầu từ việc giúp phụ nữ chủ động phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình. Trong đó, hội LHPN các cấp huy động vốn vay từ các ngân hàng, tổ tín dụng, vận động hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động tiết kiệm, tương trợ… nhằm tạo nguồn vốn hỗ trợ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế.

Nhiệm kỳ qua, Hội đã hỗ trợ 3.150 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tổ chức dạy nghề cho 5.469 phụ nữ; giới thiệu việc làm cho 5.457 chị; tư vấn, giới thiệu 128 chị đi xuất khẩu lao động. Hiện nay, tổng dư nợ các cấp hội quản lý trên 1.800 tỷ đồng, với trên 53 nghìn lượt gia đình hội viên, phụ nữ vay vốn.

Phụ nữ xã Hòa Thành (huyện Krông Bông) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.

Các cấp hội tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia, vận động chị em phát huy truyền thống, rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đề án 938 cũng đã được các cấp hội tập trung triển khai thực hiện với các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ và gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em; xây dựng và phát triển các mô hình “Tổ tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân”, nhóm “Phụ nữ dân tộc thiểu số giúp việc gia đình”, “Nhóm trẻ gia đình”, nhóm “Bác sĩ gia đình”, tổ tư vấn tại cộng đồng… kịp thời giải quyết, tư vấn và trợ giúp pháp lý cho hội viên, phụ nữ tại cơ sở.

Bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể, các cấp hội LHPN đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống, phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ năm 2016 đến nay, các cấp hội đã giúp 4.742 hộ đạt các tiêu chí gia đình “5 không, 3 sạch”, nâng tổng số hộ đạt lên 228.969 hộ.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.