Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Năng: Linh hoạt các giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

06:58, 22/11/2021

Thời gian qua, BHXH huyện Krông Năng đã chủ động đổi mới phương thức tuyên truyền, kết hợp tuyên truyền trực tiếp với tuyên truyền gián tiếp để tuyên truyền về lợi ích của BHXH tự nguyện, tạo niềm tin cho người dân tham gia.

Số người tham gia tăng nhanh

BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho người làm nông nghiệp hoặc làm các công việc tự do có lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để chăm sóc sức khỏe, duy trì cuộc sống ổn định khi hết tuổi lao động.

Nhằm đưa chính sách vào đời sống, thời gian qua, BHXH huyện Krông Năng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn chủ động tuyên truyền về tính ưu việt của BHXH tự nguyện bằng nhiều hình thức, giải pháp. Đặc biệt, đơn vị đã phát triển được 17 đại lý thu ở cơ sở và 33 điểm thu BHXH, BHYT trên địa bàn 12 xã, thị trấn. Các nhân viên của đại lý thu đã đến từng nhà để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Chị Nguyễn Thị Xuân, đại lý thu BHXH, BHYT tại xã Ea Toh (huyện Krông Năng) cho biết, để người dân trên địa bàn biết đến loại hình BHXH tự nguyện, chị thường xuyên đến từng gia đình trò chuyện, giúp bà con hiểu đúng về lợi ích của BHXH tự nguyện mang lại, đó là khi hết tuổi lao động sẽ được hưởng một khoản lương hưu hằng tháng, không trở thành gánh nặng của con cháu, được cấp thẻ BHYT với mức hưởng 95%...

“Mưa dầm thấm lâu”, chỉ trong một năm qua, chị Xuân đã vận động được trên 200 người trên địa bàn xã tham gia loại hình BHXH tự nguyện, góp phần nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện của toàn huyện tăng cao. Tính đến ngày 17/11/2021, toàn huyện có 1.222 người tham gia BHXH tự nguyện.

Chị Nguyễn Thị Xuân, Đại lý thu BHXH, BHYT của xã Ea Toh tư vấn cho người dân về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện.

Qua tuyên truyền, vận động, nhiều người dân trên địa bàn đã thấy rõ tính ưu việt của BHXH tự nguyện và chủ động tham gia. Ông Nguyễn Đức Đảm, ở thôn Tân Phú, xã Ea Toh từng là cán bộ Hội Nông dân xã, tham gia BHXH bắt buộc được 11 năm. Sau khi đến tuổi nghỉ hưu, nhận thấy nếu thanh toán BHXH một lần thì số tiền được nhận cũng chỉ có vài chục triệu đồng nên ông đã tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Đến tháng 10/2021, ông Đảm đã tham gia BHXH đủ thời gian và được làm thủ tục hưởng lương hưu theo quy định.

Ông Đảm phấn khởi bày tỏ: “Tháng 11 này tôi bắt đầu hưởng chế độ hưu trí. Tôi thấy rằng việc tham gia BHXH tự nguyên mang lại những lợi ích rất thiết thực, giúp bản thân có thu nhập ổn định khi về già, đỡ phụ thuộc vào con cái, đặc biệt còn được cấp BHYT trọn đời, khi ốm đau bệnh tật không phải lo lắng nhiều về tiền thuốc thang, chi phí khám chữa bệnh".

Ông Trần Văn Phong ở thôn Tân Mỹ, xã Ea Toh chia sẻ, khi nhân viên BHXH đến tận gia đình tuyên truyền về quyền lợi cũng như trách nhiệm khi tham gia BHXH tự nguyện, vợ chồng ông đã quyết định tham gia loại hình này với mong muốn có một khoản để dành khi về già và tích lũy cho sức khỏe, bởi sau khi tham gia BHXH tự nguyện, đến tuổi nghỉ hưu ngoài việc được nhận lương hưu hằng tháng, vợ chồng ông còn được Nhà nước chăm lo sức khỏe thông qua BHYT được cấp. Hiện tại vợ chồng ông Phong chọn tham gia BHXH tự nguyện có mức đóng 330.000 đồng/tháng và 440.000 đồng/tháng.

Đưa chính sách đi vào đời sống

Dù đạt những kết quả khả quan, song số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Krông Năng còn ít so với thực tế. Hiện toàn huyện có trên 75 nghìn người trong độ tuổi lao động, nhưng mới có gần 3.300 người tham BHXH bắt buộc, đồng nghĩa tiềm năng của BHXH tự nguyện là rất lớn. Chưa kể, thời gian gần đây, tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã khiến nhiều người lao động bị ảnh hưởng về việc làm, trong đó nhiều người đề nghị rút BHXH một lần hoặc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với những trường hợp này, họ không còn quan hệ lao động và tạm thời rời khỏi hệ thống BHXH, trở thành lao động tự do.

Nhân viên BHXH huyện Krông Năng đến tận từng hộ dân để tuyên truyền về BHXH tự nguyện.

Theo Phó Giám đốc BHXH huyện Krông Năng Lê Lục, để chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân một cách chính xác và đầy đủ, BHXH huyện thường xuyên phối hợp với Bưu điện huyện triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền trên địa bàn 12 xã, thị trấn về cơ chế, chính sách và quyền lợi  BHXH mang lại cho người tham gia.

Ở các xã, thị trấn, đơn vị cũng phối hợp với UBND xã thành lập các tổ chuyên ngành về BHXH, BHYT để tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện. Đồng thời thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền với sự tham gia của cán bộ và nhân viên BHXH huyện trực tiếp tư vấn, giải đáp các thắc mắc của người dân xoay quanh nội dung này.

Thậm chí, thời điểm mùa thu hoạch cà phê, hồ tiêu do người dân đi làm rẫy cả ngày nên đội ngũ tuyên truyền viên triển khai đến nhà hộ dân vào ban đêm để tiếp cận tuyên truyền làm cho người dân hiểu và thấy được lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện, từ đó chủ động tham gia.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều hộ dân trên địa bàn bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút, vì vậy việc phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn cần kiên trì, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.