Multimedia Đọc Báo in

Kết nối những tấm lòng nhân ái

08:06, 25/11/2021

Bằng tấm lòng thơm thảo, những năm qua, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ trong tỉnh đã góp phần hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương, người nghèo, thực hiện tốt chính sách nhân đạo xã hội của Đảng và Nhà nước.

Những mái ấm thắm đượm tình người

Hôn nhân không trọn vẹn, chị H’Ngăn Adrơng (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) nuôi hai con nhỏ (một cháu bị bệnh tim bẩm sinh), ở cùng nhà với bố mẹ. Năm 2018, trong một lần tìm kiếm việc làm, chị từng bị lừa bán sang Trung Quốc. Thấu hiểu với hoàn cảnh ngặt nghèo của chị, Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với chùa Kỳ Viên cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ 60 triệu đồng xây nhà ở cho chị. Ngày làm lễ bàn giao, các đơn vị, địa phương, cá nhân tiếp tục tặng thêm bếp nấu, vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Chị H’Ngăn cảm động bày tỏ: “Có nhà ở khang trang, vững chắc, tôi yên tâm hơn về sức khỏe của các con. Xin cảm ơn vì tất cả mọi người đã luôn quan tâm, hỗ trợ gia đình tôi”…

Đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh đến thăm, động viên mẹ con chị H'Ngăn Adrơng.

Không riêng trường hợp nói trên, để chăm lo nhà ở cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã vận động, phối hợp xây dựng 38 nhà ở cho các hộ gia đình. Bà Trần Thị Phương Thu, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ, hiện tại Hội đang phối hợp hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà cho các đối tượng tại các huyện Ea Súp, Lắk và Krông Ana. Hy vọng, những kết nối ấy sẽ góp phần giúp người dân yên tâm an cư, có động lực để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Vì mọi người, ở mọi nơi

Rời vùng quê nghèo, năm 2003, gia đình em Nguyễn Huy Thịnh vào xã Ea H'leo (huyện Ea H'leo) với mong muốn lập nghiệp, đổi đời. Tuy nhiên, những bất hạnh ập đến với gia đình em. Năm 2010, tai nạn bất ngờ trong một lần đi làm khiến bố em Nguyễn Huy Thịnh ra đi mãi mãi, 8 năm sau, mẹ em cũng mất vì đuối nước. Nhà có ba chị em, chị gái Thịnh làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng vì dịch bệnh nên thu nhập bấp bênh, buộc phải tạm nghỉ; anh trai bị tai nạn lao động nên cũng không giúp được gì nhiều cho sinh kế chung. Thịnh đang học cấp 3, nhưng hoàn cảnh khó khăn đã ảnh hưởng ít nhiều đến con đường học tập và tương lai của cậu học trò chăm ngoan, học tốt.

Để chia sẻ, giúp đỡ em Nguyễn Huy Thịnh, chương trình “Nâng cánh ước mơ” do Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức đã kết nối, lan tỏa đến nhiều nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân làm việc thiện. Hơn 22 triệu đồng hỗ trợ từ chương trình vào giữa tháng 11/2021 là món quà, nguồn lực lớn để Thịnh cố gắng hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Các đơn vị, nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà động viên em Nguyễn Huy Thịnh.

Không riêng Thịnh, từ khi phát sóng số đầu tiên đến nay, chương trình “Nâng cánh ước mơ” đã góp phần làm cầu nối hỗ trợ xây dựng 22 căn nhà và 53 suất học bổng với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng tặng những học sinh khó khăn, hiếu học…

Giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát phức tạp, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã tích cực triển khai đa dạng hoạt động, chương trình. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tham gia vận chuyển, hỗ trợ hàng hóa, trang thiết bị y tế cho các lực lượng tuyến đầu và người dân ở khu cách ly, phong tỏa; tổ chức các phiên chợ nhân đạo để trao gửi những món quà ấm lòng mùa dịch; tham gia bếp ăn tình thương để chăm lo bữa ăn cho các lực lượng trực chốt; hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, tiêm vắc xin phòng dịch… Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã tích cực vận động, tiếp nhận nguồn lực có tổng trị giá gần 8,9 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Luôn xem công tác xã hội, nhân đạo là nhiệm vụ trọng tâm, nòng cốt, các cấp Hội đã triển khai thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp, cách làm. Nổi bật trong số đó phải kể đến phong trào “Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam”, Tháng nhân đạo, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; các chương trình xây nhà Tình nghĩa, khám chữa bệnh, vận động hiến máu tình nguyện, xây dựng mô hình cộng đồng an toàn; tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt... Chuỗi hoạt động này được tổ chức thường xuyên, gắn kết, mang nghĩa cử cao đẹp, có tính nhân văn sâu sắc, thấm đẫm tình người.

Bà Trần Thị Phương Thu, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho hay, với tinh thần Chữ thập đỏ “Vì mọi người, ở mọi nơi”, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên luôn hướng về cộng đồng với mong muốn góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và chăm lo ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.