Multimedia Đọc Báo in

“Vũ khí” vắc xin - niềm hy vọng đẩy lùi đại dịch COVID-19 (Kỳ 1)

06:47, 02/11/2021

Cùng với việc khoanh vùng, truy vết, thần tốc xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, tiêm vắc xin được xem là “vũ khí” hữu hiệu giúp kiểm soát dịch bệnh COVID-19, tạo miễn dịch cộng đồng và sớm đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới.

Kỳ 1:  “Vũ khí” kiểm soát COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Đắk Lắk đang huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin  phòng COVID-19 để tăng tỷ lệ bao phủ nhằm đẩy lùi dịch bệnh.

Khẩn trương huy động nguồn lực

Thời gian qua, dịch COVID-19 đã gây tổn thất lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống nhân dân. Với tầm nhìn xa và giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện chiến lược vắc xin, bởi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp cần thiết, hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh việc nỗ lực nghiên cứu và thử nghiệm để cho ra sản phẩm vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam, nước ta đã tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính để mua, nhập khẩu vắc xin và tiêm miễn phí vắc xin cho nhân dân.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng ưu tiên trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Tại Đắk Lắk, tỷ lệ bao phủ vắc xin trên toàn tỉnh hiện đang đứng thấp nhất cả nước. Đến ngày 28-10-2021 toàn tỉnh mới tiêm mũi 1 đạt 555.803 liều (đạt tỷ lệ 40,8% dân số từ 18 tuổi trở lên) và tiêm đủ mũi 2 là 100.622 liều (đạt tỷ lệ 7,39%). Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh từng ngày, tỉnh được Bộ Y tế  cấp thêm vắc xin, từ ngày 15-10 đến nay đã thêm 750.000 liều, nâng tổng số vắc xin tỉnh được tiếp nhận trong 10 đợt lên 1 triệu liều. So với dân số của tỉnh từ đủ 18 tuổi trở lên là hơn 1,3 triệu người, số vắc xin này đủ bao phủ được 72% số người tiêm mũi 1. Tuy nhiên, do lượng vắc xin mới tiếp nhận nên ngành y tế đang triển khai công tác tiêm, phấn đấu hoàn thành xong trước ngày 5-11-2021.

Trong thời gian gần đây, số ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng tại Đắk Lắk tăng lên rất nhiều. Đặc biệt, tại TP. Buôn Ma Thuột số ca bệnh trong cộng đồng xuất hiện nhiều, gây khó khăn cho công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.

Theo thống kê, trong 7 ngày gần đây (từ ngày 24 đến 30-10) thành phố đã ghi nhận 245 trường hợp mắc mới, cao nhất từ trước đến nay, trong đó có 226 ca mắc phát hiện trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 92,24%).

Đáng chú ý là liên tục xuất hiện các chùm ca bệnh trong cộng đồng không rõ nguồn lây, tập trung nhiều trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, chợ đầu mối, các tiệm cắt tóc, làm nail, công dân trở về từ vùng dịch các tỉnh phía Nam. Thành phố có dân số đông, số ca mắc bệnh cao nhất tỉnh, song tỷ lệ bao phủ vắc xin còn thấp, khiến công tác kiểm soát dịch gặp nhiều khó khăn.

Để sớm đạt miễn dịch cộng đồng

Cuối tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 8057/KH-UBND triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh năm 2021 - 2022, mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2021 có  50% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19 và hết quý I năm 2022 đạt trên 70% .

Ngành y tế sử dụng xe tiêm chủng lưu động tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại địa bàn xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Tại TP. Buôn Ma Thuột, tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 đang được đẩy nhanh nhằm đạt mục tiêu đến ngày 15-11-2021 sẽ có 100% số người trên 18 tuổi (khoảng 300.000 người) được tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng COVID-19. Cụ thể, đã thành lập các tổ tiêm chủng, huy động nhân lực ở các phòng khám, các bệnh viện tư nhân tham gia hoạt động tiêm vắc xin.

Bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tổng dân số đích (từ đủ 18 tuổi trở lên) của tỉnh là 1,3 triệu người, để bao phủ 100% mũi 1 cần phải có 1,3 triệu liều vắc xin. Nếu tính cả dân số ở độ tuổi từ 12 - 17, tỉnh cần gần 4 triệu liều vắc xin để bao phủ 100%  được tiêm đủ hai mũi. Tuy nhiên, hiện tại do lượng vắc xin cấp cho tỉnh mới đạt 1 triệu liều nên trước mắt sẽ tập trung tiêm cho các nhóm đối tượng được Chính phủ và Bộ Y tế quy định (lực lượng y tế tuyến đầu, người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, khu vực đang có dịch, khu vực có mật độ dân cư cao…).

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Lắk tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai trên địa bàn huyện.

Tại các điểm tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh, quy trình tiêm chủng được triển khai chặt chẽ, tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế "tiêm đến đâu, an toàn đến đó”, bố trí sẵn sàng đầy đủ phương tiện, trang thiết bị y tế đảm bảo công tác tiêm và chăm sóc sức khỏe sau tiêm, phân luồng theo nguyên tắc một chiều, từ đón tiếp, tư vấn, khám sàng lọc, tiêm và theo dõi sau tiêm.

Chị H’Kam Long Ding (buôn Mă, xã Bông Krang, huyện Lắk) chia sẻ, chị đang mang thai tháng thứ năm, trước khi được tiêm vắc xin phòng COVID-19 chị cũng lo lắng vì sợ tiêm về sốt, ảnh hưởng đến thai nhi, đến khi được các bác sĩ tư vấn, cùng với việc khám sàng lọc kỹ càng trước khi tiêm, chị cảm thấy yên tâm hơn. Đến nay, chị đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 được gần một tuần, sức khỏe tốt, không có phản ứng sau tiêm. Chị mong rằng bản thân được tiêm mũi 2 trước khi “vượt cạn” để hai mẹ con được an toàn trong mùa dịch bệnh.

Tại Việt Nam hiện đã có 8 loại vắc xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, gồm: AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V), Vero Cell của Sinopharm, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Moderna (tên gọi khác là Spikevax), Janssen, Hayat-Vax và Abdala. Tất cả các thành phần trong các vắc xin phòng COVID-19 nêu trên đều được nghiên cứu kỹ và thẩm định tính an toàn cho con người.

      (Còn nữa)

Kỳ 2: Để chung sống an toàn với COVID-19

Kim Oanh – Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.