Multimedia Đọc Báo in

"Vũ khí" vắc xin - niềm hy vọng đẩy lùi đại dịch COVID-19 (Kỳ 2)

06:44, 03/11/2021

Kỳ 2: Để chung sống an toàn với COVID-19

Chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 lây nhiễm rất phức tạp và sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người dân. Cùng với nhiều giải pháp quyết liệt khác, toàn tỉnh Đắk Lắk đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng, đưa tỉnh nhà sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Niềm tin từ những liều vắc xin

Thời gian qua, một bộ phận dân cư có nhận thức chưa đúng về vắc xin, đó là thần thánh hóa vắc xin, xem việc được tiêm đủ vắc xin là tuyệt đối an toàn trước dịch bệnh, hoặc trầm trọng hóa các phản ứng sau tiêm, từ đó có tâm lý lựa chọn vắc xin.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế khẳng định, vắc xin phòng COVID-19 cũng giống như tất cả các loại vắc xin khác có vai trò then chốt trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra mà chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất.

Do vậy, người dân không nên lựa chọn hay không tin tưởng vắc xin, mà phải tự bảo vệ mình bằng vắc xin khi có lịch tiêm chủng. Bởi, khi còn đang chờ đợi, lựa chọn, nếu vô tình nhiễm bệnh thì sẽ diễn biến nhanh và nguy cơ bệnh có khả năng biến chứng cũng cao hơn, nhất là với những người có bệnh lý nền. Hơn nữa, các phản ứng phụ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 được cấp phép là trong ngưỡng an toàn và chắc chắn lợi ích mang lại là rất lớn so với rủi ro.

Cán bộ Trạm Y tế phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân.

Với dịch COVID-19, người mắc và diễn tiến nặng chỉ được hỗ trợ điều trị về triệu chứng, chưa có thuốc điều trị dứt điểm căn bệnh này. Các trường hợp tử vong do COVID-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua đa phần là chưa được tiêm vắc xin, có bệnh lý nền nặng, sức khỏe suy yếu, khả năng chống chọi bệnh tật kém. Vì thế, vai trò của vắc xin phòng COVID-19 là vô cùng quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang bùng phát phức tạp tại địa phương.

Ghi nhận trên thực tế cho thấy, hầu hết người dân đều mong muốn được tiêm vắc xin và sẵn sàng tiêm tất cả các loại vắc xin phòng COVID-19 nếu đến lượt mình với niềm tin sớm vượt qua đại dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ sớm được phục hồi trở lại.

Là một bà mẹ mới sinh con gần 6 tháng, chị B.T.T.D., ở đường Ama Khê, phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, qua nắm bắt thông tin, chị biết được toàn thành phố đang tăng tốc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, trong đó có triển khai chương trình tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú. Bản thân chị cũng đã nhận được thông báo của UBND phường về việc tiêm vắc xin cho mình, nên chị luôn cố gắng giữ sức khỏe tốt đợi đến ngày được đi tiêm. “Tôi tin rằng, sau khi tiêm vắc xin, tôi sẽ có thêm “vũ khí” để bảo vệ mình và con. Mặt khác, khi mình an toàn hơn thì gia đình, người xung quanh mình cũng sẽ an toàn hơn” - chị D. chia sẻ.

Người cao tuổi - một trong những đối tượng thuộc diện ưu tiên cũng bày tỏ sự phấn khởi khi đến lượt tiêm vắc xin. Đã hoàn thành việc tiêm vắc xin một cách an toàn, bà N.T.H., 74 tuổi, ở phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) bộc bạch: sau khi đã được tiêm vắc xin phòng bệnh, bản thân bà cũng như con cháu vơi bớt nỗi lo lắng nhiễm bệnh. Bà mong tất cả mọi người sớm được tiêm, đến lượt mình là tiêm ngay để ai cũng sớm được bảo vệ, yên tâm vượt qua dịch bệnh.

Hy vọng về cuộc sống bình thường mới

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, mới đây, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Y tế tăng số lượng cấp vắc xin phòng COVID-19 cho tỉnh để đảm bảo tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên của tỉnh được tiêm 1 mũi vắc xin đạt 90% và tiêm đủ 2 mũi vắc xin đạt trên 50% trong năm 2021. Đồng thời có kế hoạch cấp vắc xin cho tỉnh để tiêm cho nhóm đối tượng từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn.

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, ngoài tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi (tập trung cho học sinh bậc THCS và THPT), toàn tỉnh có khoảng 200 nghìn học sinh. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế thì đối tượng này sẽ được tiêm vắc xin Pfizer của Mỹ. Theo thứ tự ưu tiên, sau khi hoàn thành các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tiếp đến học sinh cấp THPT và cấp THCS.

Nhân viên Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột lấy vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho đối tượng ưu tiên.

Ông Y Doen Mlo ở buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin cho hay, trong cơn đại dịch vào hồi tháng 7 năm 2021, gia đình ông có 9 người đều bị mắc bệnh. Thời điểm đó, buôn Ea Bhốk là ổ dịch trong cộng đồng lớn nhất trên địa bàn tỉnh, người dân trong buôn lo lắng, chỉ biết động viên nhau phải lạc quan, thực hiện tốt quy định phòng dịch để sớm khỏi bệnh. Từng trải qua giai đoạn bất an đó, ông mới thấy được sức khỏe quan trọng thế nào đối với bản thân và mọi người. Ông tin tưởng rằng với các biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan chức năng, ý thức chấp hành của mọi người và khi vắc xin phòng COVID-19 bao phủ toàn dân thì buôn làng nơi ông ở và mọi miền đất nước sẽ bình an trước đại dịch.

Vắc xin là "vũ khí" quan trọng không chỉ tạo nên miễn dịch cộng đồng mà còn là giải pháp hữu hiệu tạo "hàng rào bảo vệ" cho mỗi cá nhân, cộng đồng và nhân loại trước đại dịch COVID-19. Để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nhanh dịch bệnh COVID-19, rất cần sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của mọi tầng lớp nhân dân. Hãy tiêm chủng ngay khi đến lượt.

Kim Oanh - Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.