Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa nơi hậu phương

10:14, 19/12/2021

Với người lính biên phòng, tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ từ hậu phương, từ vợ con, gia đình là nguồn động viên, là điểm tựa vững chắc giúp các anh chắc tay súng, hoàn thành nhiệm vụ nơi tiền tiêu.

Năm nay là năm thứ 10 chị Vi Thị Huệ (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) thay chồng là thiếu tá Bùi Xuân Khoa (công tác tại Đồn Biên phòng Yok M’bre) làm trụ cột trong gia đình, cáng đáng, đảm đương từ việc lớn đến việc bé trong nhà. Vất vả không kể xiết khi chị còn là bác sĩ ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị còn trực tiếp tham gia chống dịch, trong khi đó, chồng chị cũng tham gia chống dịch trên biên giới. Chị đành nhờ ông bà ngoại đưa các cháu về chăm sóc để hai vợ chồng tập trung thực hiện nhiệm vụ.

Chị Vi Thị Huệ dạy con học bài.

Những ngày giáp Tết, công việc của chị Huệ cũng tất bật hơn so với thường lệ. Hết giờ làm, chị phải tranh thủ thời gian chuẩn bị chu toàn cho ngày lễ, Tết gần kề. Chị tâm sự: “10 năm làm vợ lính, không thể tránh khỏi có những lúc chạnh lòng, so sánh, tủi hờn…, chỉ ước ao có chồng ở bên giúp đỡ việc nhà như bao phụ nữ khác, đến ngày sinh con được chồng xách giỏ đồ đưa đi, rồi khi con ốm đau có chồng ở bên cạnh đỡ đần… Nhưng rồi lại tự nhủ bản thân phải cố gắng, phải là hậu phương vững chắc để chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương. Làm vợ lính là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào mà không phải người vợ nào cũng có được”.

Có những năm anh ở lại đơn vị trực Tết, thương chồng, thương con chị Huệ lại sắp xếp mọi việc đưa các con vào đón xuân cùng anh. Nhưng hai năm nay dịch bệnh phức tạp, không thể vào đơn vị, sợ các con sẽ buồn lòng, chị Huệ càng phải tỏ ra cứng rắn, mạnh mẽ hơn để cả nhà đón xuân vui vẻ. 

Cũng nên duyên vợ chồng với đại úy Hoàng Ngọc Linh (công tác tại phòng khám quân dân y kết hợp xã Ia R’vê, thuộc Đồn Biên phòng Ia R’vê) được 10 năm, chị Nông Thị Nghệ (trú xã Cư Amung, huyện Ea H’leo) đã trải qua nhiều vất vả khi làm “vợ lính”. Chị Nghệ chia sẻ: “Tết là dịp để vợ chồng, con cái sum vầy nhưng nhà mình thì hiếm hoi lắm. 10 năm cưới nhau nhưng ít khi cả nhà đón Tết đông đủ và trọn vẹn. Năm nay dịch bệnh thế này chắc anh cũng không về được rồi”. Chị hiểu mình vất vả, thiệt thòi thì chồng ở nơi biên giới còn khó khăn, thiếu thốn tình cảm hơn. Nghĩ thế, chị thấy thương anh nhiều hơn, điều kiện sinh hoạt ở biên giới khó khăn, anh lại là cán bộ quân y phải thường trực đối mặt với nguy hiểm của dịch bệnh. Chị thường dạy bảo các con luôn tự hào về người lính, tự hào về người bố biên phòng.

Gia đình chị Vi Thị Huệ.

Xa nhau nhưng may mắn là bây giờ việc liên lạc cũng thuận tiện hơn, tranh thủ giờ nghỉ đại úy Hoàng Ngọc Linh thường gọi về cho vợ. Những lần như thế, mọi chuyện trong nhà ngoài cửa đến chuyện học hành của các con đều được chị tường tận kể hết. Mỗi lần thu xếp được công việc, chị và các con lại lên thăm anh. Chị Nghệ tự hào: “Nghe tin vợ con của quân y Linh lên thăm, bà con trong thôn, xóm đến thăm hỏi, còn mang cả quà đến tặng. Thấy bà con quý mến, tin yêu chồng, bản thân mình cảm thấy tự hào về chồng, tự hào là người vợ lính”.

Nguyễn Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.