Hội nghị khoa học chuyên đề phòng chống bệnh không lây nhiễm năm 2021
Sáng 14/12, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị khoa học chuyên đề phòng chống bệnh không lây nhiễm năm 2021.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Môi trường y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cùng các nhà khoa học, bác sĩ từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hội thảo đã nghe nhiều báo cáo khoa học của các đơn vị, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các tổ chức sức khỏe tại Việt Nam về một số chuyên đề như: Thực trạng một số bệnh không lây nhiễm; Quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm; Dinh dưỡng và bệnh không lây nhiễm. Qua đó cho thấy, hiện nay, các bệnh không lây nhiễm như bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và một số bệnh không lây nhiễm khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước do số người mắc bệnh nhiều, gây tử vong cao.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Theo số liệu báo cáo tại Hội thảo, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính, mỗi năm tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong do bệnh tật.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được chia làm 4 nhóm: Nhóm thứ nhất là tình trạng thừa cân - béo phì, rối loạn mỡ máu, rối loạn đường máu, tăng huyết áp; nhóm thứ 2 là các hành vi nguy cơ như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn uống không hợp lý và thiếu hoạt động thể lực; Nhóm thứ 3 là các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường như ô nhiễm môi trường, đô thị hóa, toàn cầu hóa, già hóa dân số và nhóm thứ 4 là các yếu tố sinh học như tuổi, giới, chủng tộc, kiểu gen.
Để giảm thiểu những bệnh không lây nhiễm, trong những năm qua các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp như kiểm soát yếu tố nguy cơ, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe; xây dựng, thực thi các quy định ngăn ngừa những hành vi có hại cho các nhân và cho những người khác; xây dựng môi trường, điều kiện thúc đẩy hành vi có lợi cho sức khỏe và quản lý, điều trị người bệnh không lây nhiễm
Tại Tây Nguyên, năm 2020 WHO đã hỗ trợ 40 xã thuộc tỉnh Kon Tum và Lâm Đồng trong hoạt động quản lý, điều trị và thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm. Đến năm 2021, mô hình này được nhân lên 150 xã thuộc 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên bao gồm các hoạt động như Hội nghị xây dựng kế hoạch năm 2021 về phòng, chống bệnh không lây nhiễm; Tổ chức các hội thảo truyền thông giảm tiêu thụ muối, phòng chống tăng huyết áp, đột quỵ và một số bệnh không lây nhiễm trong đại dịch COVID -19; Tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo và thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm, đến nay 100% các địa phương nhận hỗ trợ đã triển khai tốt phần mềm báo cáo thống kê bệnh không lây nhiễm.
Kim Hoàng
Ý kiến bạn đọc