Multimedia Đọc Báo in

Hướng dẫn và khuyến khích học sinh lập sổ nhật ký phòng chống COVID-19

17:33, 22/12/2021

Sáng 22/12, Đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 của UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chỉ huy Thường trực Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh H’Yim Kđoh làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhằm tổng kết đợt kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại cuộc họp cho biết, thời gian qua, Sở GD-ĐT đã tích cực, chủ động, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời triển khai hiệu quả công tác dạy và học, ứng phó kịp thời, linh hoạt với các tình huống của dịch bệnh. Tính đến ngày 17/12/2021, toàn ngành đã có 97,52% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động đã tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 và 76,24% đã tiêm đủ 2 mũi; 59.033 học sinh THPT, giáo dục thường xuyên đã tiêm mũi 1 vắc xin, đạt 93,68%.

Đến nay, việc tổ chức dạy học trực tiếp trên địa bàn tỉnh đang được triển khai linh hoạt nhằm đảm bảo phù hợp với công tác phòng chống dịch. Tính từ ngày 15/9 đến nay, toàn tỉnh có 5 huyện thường xuyên có các cơ sở giáo dục được tổ chức dạy học trực tiếp (Krông Bông, M’Đrắk, Ea Súp, Krông Năng, Ea Kar); 8 huyện linh hoạt chuyển đổi trạng thái dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến kết hợp với các hình thức khác và ngược lại; 2 địa phương là TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ chưa tổ chức dạy học trực tiếp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chỉ huy Thường trực Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chỉ huy Thường trực Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu tại buổi làm việc.

Qua kiểm tra thực tế, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức dạy học trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh COVID-19; áp dụng các hình thức dạy học phù hợp với từng lứa tuổi và tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.

Tại buổi làm việc, ngành GD-ĐT đã đề xuất một số ý kiến, kiến nghị về việc hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập về vay vốn để chi trả các chi phí thuê mặt bằng, trả lương cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động; có chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, đặc biệt là đối với giáo viên, nhân viên chưa tham gia đóng BHXH; đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 đến phụ huynh, học sinh, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chỉ huy Thường trực Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh H’Yim Kđoh ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của ngành GD-ĐT trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như việc tổ chức dạy và học trong tình hình dịch bệnh.

Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại cuộc họp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, thời gian tới, ngành GD-ĐT cần tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng phương án chủ động xử lý khi xuất hiện F0 trong nhà trường khi dạy học trực tiếp. Ngoài ra, cần thực hiện chặt chẽ công tác khử khuẩn, đảm bảo thông điệp 5K khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, hướng dẫn và khuyến khích học sinh lập sổ nhật ký phòng chống COVID-19 ghi lại hoạt động hằng ngày để thuận lợi cho việc khai báo y tế khi xảy ra ca nhiễm; thực hiện khảo sát chung về tình hình sức khỏe của học sinh nhằm đảm bảo an toàn và theo dõi sát sao khi học sinh đi học trực tiếp.

Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT cần tiếp tục quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trực tiếp làm công tác giảng dạy; xây dựng bộ tiêu chí an toàn trong trường học phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành để làm cơ sở cho các trường triển khai thực hiện; tiếp tục tập huấn, hướng dẫn công tác phòng chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm cho đội ngũ y tế học đường…

Kim Hoàng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.