Multimedia Đọc Báo in

Khoảnh khắc xúc động trong “Mẹ con ngày gặp mặt”

11:45, 26/12/2021

Nhân 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2021), tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng tôi, những người làm báo đều vỡ òa cảm xúc trước bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt”.

Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long (Thông tấn xã Việt Nam) ghi lại khoảnh khắc xúc động của người tử tù Lê Văn Thức ôm chầm mẹ mình là bà Trần Thị Bính vào ngày 5/5/1975 tại bến Rạch Dừa (Vũng Tàu).

Lật giở những tư liệu lịch sử, được biết, sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, nghệ sĩ Lâm Hồng Long cùng các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam và đoàn cán bộ chính quyền cách mạng chờ đón 35 chiến sĩ tử tù từ Côn Đảo trở về đất liền, trong số đó có anh Lê Văn Thức. Phút giây gặp lại người con trai tưởng như đã chết khiến bà mẹ bật lên tiếng kêu nghẹn ngào: “Thức con ơi! Má cứ tưởng con chết rồi...”, và nhà nhiếp ảnh nhanh tay bấm liền mấy kiểu. Bức ảnh chớp đúng thời điểm, ghi lại được gương mặt hai mẹ con người tử tù đầy xúc động.

Năm 1996, nghệ sĩ Lâm Hồng Long được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên cho hai tác phẩm “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt”.

Về nhân vật trong bức ảnh, ông Lê Văn Thức sinh năm 1941 tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Sớm được giác ngộ cách mạng, sau khi thi tú tài, ông vào căn cứ hoạt động. Ông được kết nạp Đảng năm 1966, sau đó theo lệnh cấp trên, ông gia nhập lính cộng hòa với nhiệm vụ của một tình báo viên. Ông được chọn đi học trường sĩ quan bộ binh Thủ Đức, trở về làm chỉ huy một trung đội thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 11, Sư đoàn 7. Tiếp đó, tham gia khóa học “huấn luyện tình báo chống chiến tranh du kích” ở Malaysia, tốt nghiệp mang quân hàm thiếu úy, về làm sĩ quan huấn luyện chiến thuật tại cụm căn cứ quân sự Bình Đức ở Mỹ Tho - cơ quan đầu não của Sư đoàn 7. Với vị trí mới, ông Thức có cơ hội tiếp cận khu quân sự Bình Đức để vẽ bản đồ chi tiết của khu căn cứ này. Sau hơn một tháng điều nghiên, ông hoàn tất tấm bản đồ và gửi vào hòm thư bí mật. Do người liên lạc sơ suất không sao chép để xóa dấu vết bản đồ mà lại chuyển luôn bản chính qua hòm thư bí mật cho ông Tư Năng - nguyên Phó Ban Binh vận khu 8, trên đường đưa bản đồ cho Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng, ông Tư Năng bị địch bắn chết, tấm bản đồ có nét chữ của ông Thức bị địch phát hiện. Ông Thức bị bắt và di lý về trại tạm giam Mỹ Tho (Tiền Giang). Tháng 4/1968, bị đưa ra tòa án quân sự, tuyên án tử hình với tội danh “Hoạt động nội tuyến cho Cộng sản”. Sau đó ông được di lý về khám Chí Hòa (Sài Gòn). Năm 1973, sau Hiệp định Paris, ông bị đưa ra Côn Đảo giam trong khu dành riêng cho tử tù.

“Mẹ con ngày gặp mặt”. Ảnh: Lâm Hồng Long

Sau ngày gặp mẹ, ông Thức trở về quê làm cán bộ Phòng Công thương - nghiệp huyện Châu Thành, làm Bí thư Đảng ủy xã Tam Phước, Huyện ủy viên Châu Thành và nghỉ hưu năm 1991. Cũng trong năm 1991, tại Đại hội Nhiếp ảnh quốc tế được tổ chức tại Tây Ban Nha, bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” được Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế trao Bằng Danh dự. Từ giải thưởng đó, nhiều người đi tìm hiểu các nhân vật trong bức ảnh, cũng nhờ đó, ông Thức mới biết hai mẹ con mình là nhân vật trong tấm ảnh nổi tiếng.

Sau này, ông Thức khá thân thiết với nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long. Năm 1997, khi Lâm Hồng Long bị bệnh nặng, ông Thức đến Bệnh viện Thống Nhất thăm và thấy bức ảnh được đặt trang trọng trên đầu giường bệnh. Tại đây, nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long một lần nữa cám ơn mẹ con ông Thức vì đã cho ông cơ hội có được tấm ảnh lịch sử. Còn ông Thức cũng cám ơn nhà nhiếp ảnh vì đã lưu lại được khoảnh khắc tình cảm của hai mẹ con mình. Đó là lần cuối ông Thức gặp nhà nhiếp ảnh, bởi mấy tuần sau đó, Lâm Hồng Long đã vĩnh viễn ra đi. Mẹ ông Thức, người trong tấm ảnh cũng đi xa vào năm 1999, khi gia đình vừa tìm được mộ của chị gái ông, người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đỗ Thị Ngọc Diệp


Ý kiến bạn đọc