Multimedia Đọc Báo in

Khốn khổ vì… thách cưới

08:14, 15/12/2021

Qua nhiều năm xây dựng đời sống văn hóa mới, cuộc sống nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay, phát triển. Tuy nhiên, ở một số buôn đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, do những nguyên nhân khác nhau nên vẫn còn hủ tục thách cưới lạc hậu.

Gia đình ông Y Phang (ở buôn Kuanh, xã Yang Mao, huyện Krông Bông) thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Mới đây, gia đình ông tổ chức cưới chồng cho con gái đầu lòng. Theo phong tục mẫu hệ, con rể phải về nhà ông ở rể. Dù cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn nhưng vì tục thách cưới từ nhà trai, gia đình ông Y Phang phải chạy vạy, vay mượn sắm lễ cưới với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng để cưới chồng cho con gái. Số tiền này đối với gia đình ông là rất lớn.

Tương tự, gia đình ông Y Plon Êban (ở buôn Băng Kung, xã Ea Trul, huyện Krông Bông) cũng không khá giả gì, chủ yếu sống nhờ ruộng rẫy. Nhưng vì hủ tục thách cưới từ phía nhà trai, mới đây, gia đình ông đã phải chi phí khoảng 70 triệu đồng để cưới chồng cho con gái. Ông Y Plon Êban kể: “Để cưới được con rể, gia đình mất lễ 4 con heo, 1 con bò đực và tiền. Tổng cộng mình mất khoảng 70 triệu đồng, một số tiền rất lớn đối với gia đình”.

Chính quyền địa phương và cán bộ công an đến thăm nhà ông Y Phang (buôn Kuanh, xã Yang Mao, huyện Krông Bông).

Không riêng gia đình các ông Y Phang, Y Plon, rất nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở nhiều buôn làng vùng sâu, vùng xa cũng bị hủ tục thách cưới đè nặng; thậm chí có nhà thách cưới lên đến 100 triệu đồng. Nhiều cặp vợ chồng sau khi cưới nhau về phải lam lũ lao động để giúp cha mẹ bên vợ trả nợ thách cưới. Cuộc sống khó khăn khiến các đôi vợ chồng không tránh khỏi mâu thuẫn, xích mích. Thách cưới lớn là vậy nhưng khi người chồng vì một lý do nào đó mà bỏ vợ thì bên phía nhà vợ sẽ đòi lại tiền lễ trước đó rồi còn bắt đền gấp hai, gấp ba. Nhiều gia đình nợ chồng nợ, kéo theo nhiều hệ lụy gây mất an ninh trật tự tại địa phương, có thể nảy sinh trộm cắp, cướp giật để có tiền trả nợ. Ông Y Phen Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Trul (huyện Krông Bông) cho biết: “Bản thân tôi là người bản địa ở đây và cũng là lãnh đạo của địa phương. Tôi thấy tục thách cưới này gây nhiều khó khăn cho các cặp vợ chồng mới cưới. Về sống với nhau vừa phải lo làm ăn, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái, vừa làm để kiếm tiền giúp gia đình bên gái trả khoản nợ do nhà trai thách cưới ngày xưa, cực lắm. Vì vậy, các cấp chính quyền đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân loại bỏ hủ tục này trong đời sống”.

Thách cưới là một hủ tục lạc hậu bao đời nay đã đè nặng và gây nhiều hệ lụy xấu trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng. Thiết nghĩ, để xóa bỏ hủ tục này, các già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong cộng đồng cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương cần kiên trì tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Quốc Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.