Multimedia Đọc Báo in

Nối dài hành trình thiện nguyện

15:32, 05/12/2021

Nhóm thiện nguyện “Kết nối yêu thương BMT” chỉ mới thành lập khoảng một năm nay nhưng đã tổ chức những chương trình hoạt động tình nguyện, hỗ trợ học sinh nghèo vùng khó khăn và góp phần phòng, chống dịch COVID-19.

Nhóm thiện nguyện “Kết nối yêu thương BMT” có 10 thành viên, sống và làm việc trên địa bàn tỉnh, có chung tâm nguyện được góp phần chia sẻ và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu, hoạt động của nhóm chủ yếu là huy động, tổ chức hỗ trợ sách vở, nhu yếu phẩm, xe đạp, sữa… cho những học sinh nghèo, người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa. Không chỉ thực hiện chương trình vào các dịp năm học mới hay các ngày lễ, tết… mà nhóm tổ chức thường xuyên, để các sự hỗ trợ không bị ngắt quãng, giúp các em có thêm điều kiện học hành. Kinh phí thực hiện các chương trình được tài trợ bởi các mạnh thường quân, hoặc do chính các thành viên tham gia đóng góp.

Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhóm thiện nguyện “Kết nối yêu thương BMT” đã mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động, tùy theo tình hình thực tế. Đơn cử như tham gia đội hình “Shipper xanh” (thuộc Hội LHTN TP. Buôn Ma Thuột), phối hợp với các đơn vị Đoàn - Hội các xã, phường trên địa bàn thành phố rà soát và hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến tận nhà đối với các trường hợp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; vận chuyển nhu yếu phẩm, các phần quà từ các nhà hảo tâm đến nơi tập kết; vận chuyển thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch…

Nhóm thiện nguyện “Kết nối yêu thương BMT” trao tặng “Túi thuốc cộng đồng” cho người dân

Mới đây, nhóm đã tặng hàng trăm “Túi thuốc cộng đồng” hỗ trợ người dân trong các khu phong tỏa, cách ly trên địa bàn tỉnh, nhất là người già neo đơn. Trong mỗi túi thuốc có thuốc bổ, thuốc ho, thuốc hạ sốt, Vitamin C, gói xông, khẩu trang, nước sát khuẩn…

Nhiều người dân đã rất vui mừng vì nhận được món quà ý nghĩa này. Bà Huỳnh Thị Cúc (tổ dân phố 6, phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, gia đình bà đang bị cách ly y tế do trên địa bàn phường có 31 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, khi nhận túi thuốc này cả nhà bà cảm thấy vững lòng hơn, cảm nhận trong mỗi túi thuốc như còn chứa cả tình yêu thương, chia sẻ của cộng đồng.

Dịp này, nhóm còn vận động, kêu gọi hỗ trợ hàng trăm suất quà là lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện an sinh xã hội, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Ngoài việc hoạt động theo tiêu chí riêng, nhóm thiện nguyện “Kết nối yêu thương BMT” còn kết nối và phối hợp với những cá nhân, nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện khác để thực hiện những chương trình dài hơi. Chị Lê Như Huyền Trâm, Trưởng nhóm cho hay: "Chúng tôi làm thiện nguyện với hy vọng giúp được nhiều nhất những trường hợp khó khăn nên luôn sẵn sàng hợp tác, chung tay thực hiện các chương trình tình nguyện".

Chị Lê Thị Hồng Hoàng (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) trước đây đã từng chăm nuôi người thân tại bệnh viện trong thời gian dài, nhờ có những suất cơm, cháo từ thiện mà chị và gia đình giảm bớt chi phí và khó khăn, có sức cầm cự, chiến đấu lâu dài với bệnh tật. Thấu hiểu điều đó, khi cuộc sống đã ổn định hơn, chị Hoàng có tâm nguyện thực hiện nồi cháo tình thương, mang đến những suất cháo ngon, dinh dưỡng và hoàn toàn miễn phí cho những người bệnh và chăm bệnh, giúp họ giảm bớt khó khăn.

Khi kinh phí để nấu cháo đã được các mạnh thường quân hỗ trợ nhưng chưa có nơi nấu phù hợp, tiện lợi di chuyển thì chị Hoàng được nhóm thiện nguyện của chị Trâm kết nối, hỗ trợ địa điểm nấu cháo tình thương với tên “Bếp Nắng” .

Chị Huyền Trâm (Trưởng nhóm thiện nguyện “Kết nối yêu thương BMT” trao quà tặng người dân.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hiện nay, cứ vào thứ tư hằng tuần, các thành viên của “Bếp Nắng” và nhóm thiện nguyện “Kết nối yêu thương BMT” sẽ tập trung lại để nấu cháo. Nguyên liệu như rau củ quả được các mạnh thường quân hỗ trợ, các thành viên chỉ cần mua thịt tươi mới trong ngày để bảo đảm an toàn, dinh dưỡng.

Bình quân mỗi nồi cháo tình thương trị giá 3 triệu đồng, tương đương 350 suất (ngoài cháo còn có 1 chai nước, 2 trứng gà/trái cây/sữa), được phát miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ngoài ra trong tháng sẽ có thêm ngày nấu cơm. Sau này, khi kêu gọi được nhiều mạnh thường quân hỗ trợ hơn và sắp xếp được công việc đều hơn, các thành viên sẽ tăng số buổi nấu cháo lên từ 2 - 3 lần/tuần.

Chị Hồng Hoàng (Trưởng nhóm Bếp Nắng) tâm sự: “Khi mới nấu cháo, nấu bằng nồi to, khối lượng nhiều nên đôi khi các thành viên gặp khó khăn như bỏng tay, cháo không ngon, làm chậm so với dự kiến… nhưng không vì vậy các bạn cảm thấy chán nản mà luôn cố gắng tìm cách làm phù hợp, để mang lại suất cháo ngon nhất cho mọi người. Khi được khen cháo ngon, các thành viên đều cảm thấy hạnh phúc và cố gắng cho những lần tiếp theo”.

Hành trình thiện nguyện của những trái tim nhân ái như chị Trâm, chị Hoàng và các thành viên của các nhóm thiện nguyện vẫn nối dài thêm bởi những tấm lòng nhân ái. Dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng họ chưa bao giờ dừng lại mà vẫn cố gắng, vẫn tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như những người yếu thế trong xã hội.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.