Multimedia Đọc Báo in

Trở về quê mẹ bao dung

04:53, 18/12/2021

Trải qua cuộc “di cư” lầm lỗi với hy vọng đổi đời nơi “miền đất hứa” một số bà con dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin ở huyện Ea H’leo đã trở về quê trong sự bao dung của buôn làng, sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương.

Ký ức về 6 tháng nơi đất khách quê người của hơn 5 năm về trước đến giờ vẫn chưa thôi ám ảnh vợ chồng anh Y Hmi Rcăm (tên thường gọi là Ama Ngai) và chị H’Li Ksơr ở buôn Tùng Thăng (xã Ea Ral).

Trong căn nhà mới xây trị giá gần 600 triệu đồng, Ama Ngai nhớ lại, cuối tháng 4/2015, một người tên Tùng (đối tượng phản động, lưu vong ở nước ngoài) thường xuyên điện thoại cho anh kể về cuộc sống an nhàn ở nước thứ ba, hứa đưa hai vợ chồng sang đó định cư.

Cán bộ Công an huyện Ea H'leo đến thăm gia đình anh YKlô, buôn Tri B (xã Dliê Yang).

Nghe lời đường mật của Tùng, vợ chồng Ama Ngai bán toàn bộ nông sản được hơn 10 triệu đồng, bắt xe đò ra tỉnh Hà Tĩnh. Vừa đến bến xe đã có người chờ sẵn đưa vợ chồng Ama Ngai cùng 10 người ở các tỉnh khác vượt biên qua Lào, tiếp tục vượt sông Mê Kông bằng thuyền vào đất nước Thái Lan. Gần 4 giờ sáng, thuyền cập bến "xứ sở Chùa Vàng" an toàn, nhưng cũng kể từ đó cuộc sống của vợ chồng Ama Ngai rơi vào bế tắc. Vợ chồng ở trong căn nhà ẩm thấp, nước uống hôi hám, số tiền ít ỏi mang theo nhanh chóng hết. Không biết tiếng Thái, không có giấy tờ tùy thân, nên không một ai dám thuê vợ chồng Ama Ngai làm việc.

Cuối năm 2015, Ama Ngai tìm được cách liên lạc với họ hàng ở buôn Tùng Thăng. Ngay trong hôm đó, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Ea H’leo đã liên lạc với Ama Ngai, để rồi đầu năm 2016 vợ chồng anh về đến buôn trong niềm vui khôn xiết nhờ sự giúp đỡ của Công an huyện.

 

“Những trường hợp từng vượt biên trái phép hồi hương được chính quyền, Công an huyện Ea H'leo tạo điều kiện làm hộ khẩu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vay vốn chính sách ưu đãi…, qua đó giúp các gia đình nhanh chóng ổn định cuộc sống, có hộ trở thành tấm gương sản xuất giỏi, có hộ tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Phó Chủ tịch UBND xã Dliê Yang Y Chréo Niê

Tỉnh ngộ trở về, vợ chồng Ama Ngai chí thú làm ăn, trở thành một trong những nông hộ khá giả của buôn Tùng Thăng với gần 4 ha đất chuyên canh điều, cà phê, hồ tiêu... Năm 2019, gia đình Ama Ngai phấn khởi dọn vào căn nhà mới xây trị giá gần 600 triệu đồng. 4 người con của Ama Ngai đều đã lập gia đình, ra ở riêng, có cuộc sống ổn định. “Rất xấu hổ với bà con buôn làng về việc đã rời bỏ quê hương, nhưng vợ chồng mình vẫn thường kể về cuộc sống không như mơ nơi đất khách xa lạ cho những người trong buôn, nhất là con cháu nghe, để lấy đó làm bài học...”, Ama Ngai trò chuyện.

Không may mắn như vợ chồng Ama Ngai, vợ chồng anh Y Klô Mlô và chị H’Sưn Kpă ở buôn Trí B (xã Dliê Yang) nghe theo lời “người lạ” bán hết nhà cửa, ruộng vườn rời bỏ buôn làng từ năm 2015 sang Thái Lan sinh sống, chờ đi định cư ở trời Tây. Cuộc sống nơi đất khách càng gian nan hơn khi chị H’Sưn sinh con (năm 2017). “Chúng tôi chỉ dám thuê một căn phòng nhỏ vừa đủ chỗ cho 3 người nằm. Con nhỏ tôi phải ở nhà chăm nuôi, tất cả trông đợi vào tiền làm thuê ngày có, ngày không của chồng. Nhìn con đói khóc, lòng tôi se thắt”, chị H’Sưn nghẹn ngào nhớ lại.

Đầu năm 2019, vợ chồng chị H’Sưn quyết định quay về Việt Nam nên tìm cách liên lạc cho mẹ đẻ ở buôn Tri B nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ. Biết được nguyện vọng của gia đình, Công an huyện Ea H’leo phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ (Công an tỉnh) hướng dẫn các thủ tục, đến tháng 6/2019 vợ chồng anh Y Klô đã về đến nhà. Để giúp vợ chồng Y Klô nhanh chóng ổn định cuộc sống, Công an huyện, chính quyền địa phương vận động người thân của gia đình hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất; giúp làm giấy khai sinh cho con gái H’Suni Kpă (sinh ở nước ngoài) để cháu đến trường đúng độ tuổi.

Cán bộ Công an huyện Ea H'leo trò chuyện với chị H’Li Ksơr, buôn Tùng Thăng (xã Ea Ral).

Thượng tá Nguyễn Công Hòa, Trưởng Công an huyện cho biết, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện có 39 hộ dân tộc thiểu số, với hơn 100 khẩu bị lôi kéo, vượt biên sang các nước lân cận. Phần lớn họ bị kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục với những lý do: bị phân biệt chủng tộc, miệt thị vùng miền..., vì mục đích kinh tế, có vài hộ “di cư” do nợ nần, không còn khả năng trả nợ. Đơn vị đã lập danh sách thân nhân các gia đình còn lưu lạc nước ngoài nhằm tuyên truyền, tác động họ hồi hương. Với những trường hợp do nợ nần vật tư nông sản dẫn đến khó khăn hoặc vay nợ để đi nước ngoài, Công an huyện cũng đã làm việc với các chủ nợ để có phương án giãn nợ.

Hiện nay, có 20 hộ, với 55 khẩu (trong đó 4 hộ do Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn trao trả) được Công an huyện giúp đỡ trở về địa phương. Xác định để các hộ lầm lỡ trở về hòa nhập cuộc sống thì phải an cư lạc nghiệp, hằng tháng cán bộ, chiến sĩ Đội An ninh (Công an huyện) phối hợp với già làng, trưởng buôn, người uy tín gặp gỡ các gia đình nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn trong cuộc sống, kịp thời tuyên truyền, giáo dục, giúp họ xóa đi mặc cảm với buôn làng; tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương tạo sinh kế giúp các gia đình có thu nhập ổn định.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.