Đồng hành cùng người lao động
Dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư bùng phát, kéo dài, diễn biến phức tạp đã cướp đi sinh mạng của không ít người và có hàng triệu người trong cả nước bị ảnh hưởng đến thu nhập. Trong bối cảnh ấy, bản thân mỗi người lao động đã linh hoạt, thích ứng, cùng với đó là sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương với tinh thần "không để ai bỏ lại phía sau".
Qua khảo sát của Sở LĐ-TB&XH trong số hơn 42.000 lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam về quê, có hơn một nửa muốn trở lại nơi làm cũ; hơn 11.000 người mong tìm việc tại địa phương; 3.600 người muốn xuất khẩu lao động, gần 4.000 người mong được vay vốn phát triển kinh tế, còn lại muốn học nghề, tìm công việc mới.
Doanh nghiệp thông tin về nhu cầu tuyển dụng cho người lao động xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc). |
Bà Đinh Trần Thị Bích Nga, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Krông Bông cho biết, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hơn 10.000 lao động từ các tỉnh thành phía Nam trở về, bên cạnh những lao động muốn trở lại nơi làm việc cũ, vẫn có nhiều trường hợp muốn lập nghiệp ở quê. Phòng LĐ-TB&XH huyện đã tham mưu UBND huyện làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tăng cường vốn vay giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động có vốn phát triển kinh tế. Mức vay vốn khoảng 30 triệu đồng/người với điều kiện ở lại địa phương làm việc.
Còn Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để rà soát lại các trường hợp đang thất nghiệp, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm của các tỉnh thành phía Nam nắm bắt nhu cầu tuyển dụng và thông tin rộng rãi đến lao động địa phương. Đơn vị cũng chủ động liên hệ, mời gọi các doanh nghiệp về tỉnh tổ chức các sàn giao dịch việc làm tạo cầu nối cho người lao động và doanh nghiệp. Từ tháng 12/2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 23 phiên giao dịch việc làm và lưu động tại các huyện: Krông Pắc, Ea Súp, Ea Kar… thu hút hơn 1.350 lao động tham gia.
Gia đình anh Phan Tiến Dũng (thôn 5, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) làm bánh bột lọc bán kiếm thêm thu nhập. |
Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, Sở đã xây dựng phương án hỗ trợ người lao động hồi hương để trình UBND tỉnh. Mọi giải pháp hỗ trợ đều lấy người lao động làm trung tâm với mục tiêu cao nhất là tạo công ăn việc làm, kế sinh nhai cho người lao động. Với nhóm lao động muốn tìm việc tại địa phương, Sở đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp các cơ sở đào tạo nghề để dạy nghề phù hợp yêu cầu của nhà tuyển dụng; tăng cường kết nối với công ty khảo sát nhu cầu tuyển dụng, mở rộng kênh liên kết tìm việc làm, hướng dẫn cụ thể thủ tục cho người muốn xuất khẩu lao động. Những lao động muốn vay vốn phát triển kinh tế, Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tạo điều kiện cho người dân.
Ông Thuân cũng cho biết thêm, Đắk Lắk là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức đoàn công tác xuống TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai gặp gỡ chính quyền sở tại, doanh nghiệp để khảo sát nhu cầu tuyển dụng, chính sách hỗ trợ người lao động. Sau chuyến công tác, nhiều doanh nghiệp đến Đắk Lắk trực tiếp tuyển dụng lao động và được chính quyền địa phương, các sở, ngành tạo điều kiện.
Hoàng Ân - Cẩm Anh
Ý kiến bạn đọc