Multimedia Đọc Báo in

Buôn làng xanh bóng Kơnia

06:11, 02/02/2022

Kơnia – loài cây đặc trưng đã gắn bó bao đời với đồng bào Tây Nguyên, có thời kỳ tưởng như chỉ còn là hoài niệm. Nhưng giờ đây, Kơnia đang dần xanh bóng trên những ngọn núi, quả đồi và khắp các buôn làng...

Thương nhớ… Kơnia

Trước đây, cây Kơnia có ở khắp nơi ở khu vực từ miền Tây Quảng Nam lên Kon Tum, Đắk Lắk… Kơnia trầm mặc trên triền đồi, ven các tuyến đường hay bên bến nước buôn làng, là hình ảnh thân thuộc với bao thế hệ cư dân bản địa. Người ta có thể chặt phá rừng không thương tiếc, nhưng lại dành sự “ưu ái” đặc biệt cho loại cây này. Nguyên do là cây Kơnia có nhựa dẻo, rít nên rất khó cắt hạ; khi khô, gỗ lại cứng, nhưng dễ nứt, vênh và nhanh mối mọt nên chẳng ai dùng để làm nhà hay đóng đồ mộc dân dụng. Bà con đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên khi phát nương làm rẫy cũng không chặt cây Kơnia, bởi nó cao lớn, có tác dụng chắn gió, che bóng. Hơn nữa, trong tâm thức nhiều người cho rằng, Kơnia là cây của Yàng, nơi thần linh trú ngụ nên cần được tôn trọng, bảo vệ.

Theo thời gian, cùng với làn sóng di cư đến Tây Nguyên, số phận Kơnia cũng trở nên mong manh. Người ta “cạo trọc” rừng để lấy đất sản xuất, loại cây này cũng bị chặt bỏ không thương tiếc, không dùng làm gỗ được thì đốt để lấy than. Từ đó, cây Kơnia thưa vắng dần. Hoài niệm Kơnia, nhiều người muốn trồng thêm cây nhưng rất khó, do nó có rễ cọc ăn sâu vào đất nên việc bứng đi trồng chỗ khác không dễ. Chưa kể, cây Kơnia mọc tự nhiên hiếm dần, trong khi vỏ hạt rất dày, khó ươm giống.

Một cây Kơnia cổ thụ tại buôn Paia, xã Đắk Phơi, huyện Lắk.

Già Y Hai Liêng Hót ở buôn Paia (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) đã trải qua 70 mùa rẫy dưới chân núi Chư Yang Sin. Ông kể rằng, trước đây vùng này toàn là rừng, Kơnia có mặt khắp nơi nhưng chẳng ai chặt, đến mùa còn lượm hạt ăn chống đói. Giờ thì Kơnia lùi xa buôn làng, nhưng số lượng cũng chẳng còn là bao. May mắn là bên đường xuống bến nước suối Đá đoạn qua buôn này vẫn còn cây Kơnia cao hàng chục mét, thân to bằng mấy người ôm. Khi ông còn bé, thân cây cũng chỉ bằng cây cột điện, tán to cỡ bằng ba cái chiêng. Bà con ở đây coi cây cổ thụ này như là của quý. Trưa hè nóng nực, lũ trẻ không ngủ được, rủ nhau xuống suối tắm rồi kéo nhau lên ngồi dưới gốc cây lượm hạt ăn chơi. Bà con đi rẫy hay giặt giũ dưới suối về cũng nghỉ ngơi, trò chuyện dưới tán cây mát rượi. “Nhiều người ở đâu mấy lần đến định chặt cây nhưng bà con ngăn cản, không cho chặt mà giữ lại cho con cháu. Nhưng rồi không biết mai này, bọn trẻ liệu có còn nhớ đến Kơnia”, già Y Hai tâm sự.

Thêm giá trị từ cây Kơnia

Trước nguy cơ cây Kơnia biến mất, nhiều người đang chung sức bảo tồn, phát triển và khai thác giá trị kinh tế từ loại cây rừng này. Anh Phạm Quang Thái (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những người đầu tiên thực hiện ý tưởng này. Cụ thể, anh đã triển khai mô hình vườn - rừng với diện tích 100 ha tại xã Yang Tao (huyện Lắk). Theo đó, những cây Kơnia to lớn được giữ lại, phía dưới trồng cà phê, cây dược liệu theo phương pháp hữu cơ, tạo thành hệ sinh thái nhiều tầng, tán. Hạt Kơnia được khai thác, chọn lựa kỹ lưỡng và chế biến thành sản phẩm đặc sản, bán với giá 200.000 - 300.000 đồng/kg, thậm chí lên đến 1 triệu đồng/kg. Mỗi năm anh sản xuất khoảng 1 tấn hạt Kơnia thương phẩm. Bên cạnh đó, anh cũng vận động người dân quanh vùng giữ lại những cây Kơnia trong vườn rẫy để thu hạt. Anh Thái thu mua hạt cho bà con với giá 80.000 - 100.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá thị trường. Bình quân, một cây Kơnia trưởng thành mỗi năm có thể khai thác 3 - 5 tạ hạt thô (1 - 1,5 tạ hạt đã bóc vỏ), với sản lượng này, tính ra thu nhập từ cây Kơnia mang lại cho người dân là không hề nhỏ.

Vườn ươm giống cây Kơnia của anh Phạm Thế Thành (thôn Cao Bằng, xã Đắk Phơi, huyện Lắk)

Bên cạnh phát triển thương mại hạt Kơnia, anh Thái còn mày mò tìm hiểu để ươm giống cây này. Mặc dù là chủ vườn ươm với hàng chục loại giống cây ăn trái, cây cảnh, cây lâm nghiệp, nhưng khi bắt tay ươm giống Kơnia, anh gặp thất bại. Anh phải lặn lội đến các vùng có cây Kơnia mọc tự nhiên để tìm hiểu về đất đai, khí hậu vùng sinh cảnh của cây và đặc tính sinh học loại cây này. Sau nhiều lần ăn ngủ giữa rừng, anh nhận ra rằng Kơnia nảy mầm được trong tự nhiên nhờ khi đồng bào đốt rẫy thì hạt bị đốt ở nhiệt độ vừa phải, khi mưa xuống hoặc được các con vật tha đến các khe, suối gặp nước sẽ nảy mầm. Sau hai năm nghiên cứu, tìm hiểu, anh mới tìm ra “bí kíp” ươm giống thành công cây Kơnia.

Theo đó, phải chọn hạt chắc mẩy, không bị sâu, đốt mép hạt rồi ngâm nước nóng, lạnh đúng nhiệt độ, trộn với tro trấu và đất có độ mùn thích hợp, tưới nước đúng liều lượng thì hạt mới nảy mầm. Thời gian hạt Kơnia nảy mầm thông thường 1 - 2 tháng, có hạt đến 6 tháng mới chịu đâm chồi. Hiện nay, mỗi năm anh Thái có thể ươm thành công 10.000 cây giống Kơnia. Nguồn cây này anh không kinh doanh mà để tiếp tục phát triển thêm các mô hình vườn - rừng, hỗ trợ bà con các buôn làng trên địa bàn tỉnh trồng xen trong vườn cà phê hay các khu vực ven đồi, khe suối. Đồng thời, chuyển giao cho các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên với mục đích phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và tăng sinh kế cho người dân sống gần rừng.

Một người cũng tâm huyết trong bảo tồn, phát triển Kơnia là anh Phạm Thế Thành (thôn Cao Bằng, xã Đắk Phơi, huyện Lắk). Cách đây hai năm, anh đã ươm giống thành công loại cây đặc hữu này. Anh Thành hỗ trợ cây giống cho người dân địa phương trồng trên đất rẫy và những khu vực đồi núi để vừa tạo cảnh quan, vừa lấy hạt. Bên cạnh đó, anh cũng chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk đưa về trồng trên một số tuyến đường, khu vực công cộng ở các buôn trên địa bàn huyện. “Tôi tin rằng, rồi đây, cây Kơnia sẽ lại xanh bóng khắp các buôn làng, nương rẫy để vừa giữ lại loại cây quý cho mai sau, vừa tăng thu nhập cho bà con”, anh Thành tâm sự.

Cây Kơnia sau bao “biến cố” đang hồi sinh như sức sống mạnh mẽ vốn có của nó. Ở TP. Buôn Ma Thuột, ngoài những cây Kơnia cổ thụ còn sót lại thì gần đây một số địa điểm như khuôn viên Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi, Khu Du lịch cộng đồng Kô Tam… cũng đã được trồng thêm loại cây này. Nhiều người hy vọng rằng, Kơnia sẽ là một trong những cây xanh đô thị, tạo nên nét độc đáo níu chân du khách mỗi lần đặt chân đến thành phố xinh đẹp này.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.