Mở lối về cho thanh niên hoàn lương
Với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, Huyện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện M’Drắk đã triển khai những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ thanh thiếu niên lầm lỡ vượt qua mặc cảm, vươn lên tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.
Tuổi trẻ nông nổi, bị bạn bè xấu rủ rê nên khi đang theo học nghề tại TP. Buôn Ma Thuột, anh Nguyễn Thanh Tĩnh (ở thôn 5, xã Cư Prao) đã vướng vào vòng lao lý. Hơn 3 năm rưỡi chấp hành án phạt tù giam, năm 2019 anh Tĩnh được trở về với gia đình.
Thời gian đầu về địa phương, anh Tĩnh luôn mặc cảm, tự ti, không dám ra ngoài giao tiếp vì sợ sự kỳ thị của cộng đồng. Tuy nhiên, được gia đình và chính quyền động viên, Đoàn xã vận động tham gia các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên tại địa phương, anh dần thay đổi cách nghĩ, quyết tâm làm lại cuộc đời.
Anh Tĩnh chia sẻ: “Được gia đình, bạn bè động viên, đặt niềm tin, đặc biệt là khi được tham gia các hoạt động thiện nguyện, chương trình dành cho thanh niên, tôi cảm thấy yêu đời và cuộc sống có ý nghĩa hơn. Tôi tự nhận thấy mình phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để khắc phục lầm lỗi, xứng đáng với sự kỳ vọng của mọi người”.
Đại diện Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn M'Drắk đến thăm hỏi, động viên, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của thanh niên hoàn lương. |
Sau khi tham quan, học hỏi nhiều mô hình kinh tế tại địa phương, anh Tĩnh nhờ bố mẹ đứng ra vay vốn để cải tạo lại mảnh đất của gia đình. Trên diện tích hơn 1 ha, anh trồng 5 sào quýt xen cam xoàn và mít Thái, đào thêm 3 ao thả cá. Được Huyện Đoàn M’Drắk hỗ trợ một cặp dê giống để phát triển chăn nuôi, anh đã đầu tư vốn mua thêm dê phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Hiện tại, mô hình đang phát triển khá thuận lợi, được rất nhiều thanh niên địa phương đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Từ năm 2014 đến nay, Huyện Đoàn M’Drắk đã hỗ trợ cho trên 50 lượt thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, với các hình thức như cho vay vốn không lãi suất hoặc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. |
Chấp hành xong án phạt tù và trở về địa phương năm 2020, anh Hồ Văn Hoàng (ở thôn 20, xã Ea Riêng) cũng dự định tận dụng 1 ha đất sẵn có để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, anh Hoàng gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Nắm bắt nguyện vọng ấy, Huyện Đoàn M’Drắk đã hỗ trợ anh vay 20 triệu đồng không lãi suất từ nguồn vốn Thanh niên khởi nghiệp, đồng thời tư vấn hướng phát triển phù hợp để lấy ngắn nuôi dài. Hiện tại, anh Hoàng đã trồng được gần 300 cây vải thiều xen thêm sầu riêng và nhãn. Anh cũng đào ao rộng gần 3 sào để nuôi cá, cải thiện thu nhập. "Sau những lỗi lầm, tôi trở về chỉ có mong muốn phát triển kinh tế, cố gắng vươn lên thành công trong cuộc sống để chăm lo cho gia đình. Với số vốn vừa được hỗ trợ, tôi dự định sẽ đầu tư vào mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi heo" - anh Hoàng chia sẻ.
Với những thanh niên lầm lỡ sau khi chấp hành án phạt trở về cuộc sống bình thường, Huyện Đoàn, Hội LHTN huyện M’Drắk luôn quan tâm sát sao, kịp thời động viên, tạo điều kiện giúp họ vượt qua những mặc cảm trong quá khứ để nhìn về phía trước, sống tích cực, có ích hơn cho gia đình và xã hội. Bên cạnh việc hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm như: tổ chức dạy nghề, hỗ trợ cây, con giống, vốn vay ưu đãi, đơn vị còn triển khai các hoạt động khích lệ thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn, Hội địa phương, tạo sân chơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ giữa những thanh niên có cùng nghề nghiệp, sở thích...
Đại diện các doanh nghiệp hỗ trợ cây giống cho thanh niên hoàn lương tại huyện M'Drắk. |
Anh Lê Tuấn Anh, Phó Bí thư Huyện Đoàn M’Drắk cho hay: "Đa số thanh niên lầm lỡ sau khi chấp hành xong án phạt trở về địa phương đều có tâm lý mặc cảm, ngại va chạm, giao tiếp. Các tổ chức Đoàn ở địa phương thường xuyên nắm bắt thông tin, giúp các bạn bằng cách đến thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để giúp đỡ, tư vấn; đồng thời vận động họ tham gia các hoạt động Đoàn để có môi trường tốt học hỏi, trưởng thành, không mặc cảm về bản thân, hòa nhập cộng đồng và tránh xa tệ nạn xã hội. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm cùng với các thanh niên và thành lập một tổ hợp tác phát triển kinh tế, gắn kết các thanh niên hoàn lương vào hoạt động để cùng tổ chức tốt các hoạt động của Đoàn".
Từ các hoạt động hỗ trợ, nhiều thanh niên hoàn lương ở địa phương đã nỗ lực vươn lên, tích cực tham gia vào tổ chức Đoàn, Hội, trở thành những hạt nhân kinh tế tiêu biểu. Một số thanh niên sau thời gian rèn luyện và phấn đấu đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, qua đó lan tỏa niềm tin, thắp sáng ước mơ cho thanh niên hoàn lương trên địa bàn, trở thành công dân tốt, thanh niên tiêu biểu có ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống, giúp ích cho gia đình và xã hội.
Anh Phương
Ý kiến bạn đọc