Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ tự tin lập nghiệp

08:31, 13/02/2022

Dám nghĩ, dám làm, khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhiều hội viên phụ nữ trong tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực, mang lại nguồn thu nhập ổn định, khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tự tin vượt khó

Lập gia đình rồi ra ở riêng, chị H’Luên Mlô (buôn Kli A, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ) gặp rất nhiều khó khăn khi kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ 5 sào đất, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ hoa màu.

Năm 2012, từ sự tư vấn chuyển đổi mô hình kinh tế của Chi hội phụ nữ Buôn Kli A, đồng thời Hội LHPN phường Đạt Hiếu giúp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị quyết định chuyển đổi từ trồng màu sang trồng cây cà phê. Từ 30 triệu đồng vốn vay, sau khi mua giống cà phê, số còn lại chị quyết định dùng để đầu tư mua 5 con heo, lấy ngắn nuôi dài.

Qua 2 năm chăn nuôi, thấy thu nhập của gia đình ngày càng khá lên, chị quyết định mở rộng thêm chuồng trại và chuyển sang nuôi heo nái để cung cấp heo con cho các hộ dân khác. Mô hình chăn nuôi ổn định, trung bình mỗi năm chị xuất bán được trên 300 heo con, thu lãi hơn 150 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, chị đã tích cóp mua thêm 1,5 ha đất để trồng cà phê xen sầu riêng, bơ và xây thêm trang trại nuôi gần 300 con gà, vịt thương phẩm. Từ một gia đình thuộc diện khó khăn ở địa phương, đến nay gia đình chị H’Luên có nguồn thu nhập trên 400 triệu đồng/năm từ mô hình kinh tế tổng hợp.

Mô hình chăn nuôi heo của gia đình chị H'Luên Mlô.

Từ kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân, năm 2018 chị H’Luên đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác Chăn nuôi heo gồm 11 thành viên là chị em phụ nữ trong buôn. Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chị còn liên kết với các công ty thức ăn gia súc cung cấp thức ăn và hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn chị em chăn nuôi có hiệu quả. Sau 3 năm hoạt động, tổ hợp tác hiện nay luôn duy trì trên 160 con heo từ các hộ, hằng năm trừ chi phí đầu tư còn lợi nhuận trên 350 triệu đồng.

 

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm mô hình kinh tế do phụ nữ tham gia khởi nghiệp đã đạt được hiệu quả và có nhiều triển vọng. Đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy chị em đã thay đổi tư duy, tự tin hơn, mạnh dạn hơn, dám nghĩ, dám làm để vươn lên thoát nghèo, làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Nắm bắt cơ hội để khởi nghiệp hiệu quả

Vốn có kinh nghiệm trồng và chăm sóc các loại rau nhiều năm tại địa phương nên sau khi nhận thấy thị trường kinh doanh rau an toàn là hướng phát triển rất tiềm năng, chị Phạm Thị Nhân (thôn Tiến Thành, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) đã quyết định chuyển đổi phương thức sản xuất từ trồng rau truyền thống sang trồng rau an toàn hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học.

Được Hội LHPN xã Quảng Tiến cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp, chị mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư cải tạo hơn 3 sào đất vườn, phân ô trồng các loại rau, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. Từ kinh nghiệm tích lũy nhiều năm cùng với việc tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về quy trình trồng rau an toàn do Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức, hiện mô hình trồng rau của gia đình chị không chỉ cho năng suất cao mà còn đảm bảo chất lượng để cung ứng ra thị trường. Với việc trồng rau theo thời vụ, xen kẽ đa dạng các loại rau, củ như dưa leo, su hào, húng quế, đậu ve, đậu bắp, xà lách… nên lúc nào vườn rau nhà chị cũng có sản phẩm để bán, cho thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ chi phí.

Hội LHPN huyện Cư M'gar tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Theo chị Nhân, nghề trồng rau phải cần cù, tỉ mỉ và đặt cái tâm của mình vào công việc… Trồng rau theo phương pháp an toàn không khó, nhưng đòi hỏi người nông dân phải kiên trì. Trước tiên, mua giống phải chuẩn thì sau này cây rau mới cho chất lượng; thực hiện ủ phân chuồng trộn lẫn phân vi sinh bón cho cây; dành thời gian bắt sâu, bọ; hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Với cách làm trên, rau vẫn tươi tốt mà người tiêu dùng lại yên tâm hơn khi sử dụng.

Nhờ kinh tế phát triển, đời sống tinh thần và vật chất của gia đình ngày càng được nâng cao. Đến nay, gia đình chị đã xây dựng được căn nhà cấp 4 khang trang, lo cho ba người con học đại học. Nhiều năm liền gia đình chị đạt danh hiệu gia đình văn hóa, riêng cá nhân chị được Hội LHPN xã biểu dương là nhân tố điển hình về phát triển kinh tế tại địa phương.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.