Multimedia Đọc Báo in

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao, kit xét nghiệm nhanh “cháy hàng”

08:22, 24/02/2022

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 liên tục tăng cao trong mấy ngày qua khiến người dân trên địa bàn tỉnh đổ xô đi mua kit xét nghiệm nhanh. Do lượng người mua lớn, thị trường rơi vào cảnh “cháy hàng” tạm thời.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, chủ cửa hàng dụng cụ y khoa An Khang (đường Y Jut, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, những ngày gần đây, khách hỏi mua kit xét nghiệm nhanh rất nhiều, tăng gấp 3 lần so với bình thường. Trong khi đó, lượng kit cửa hàng nhập về hạn chế. Hàng đã đặt các đầu mối phân phối lớn ở TP. Hồ Chí Minh từ hai ngày trước nhưng hiện vẫn chưa về.

Một nhà thuốc ở TP. Buôn Ma Thuột ký cam kết bán đúng giá niêm yết, bán hàng có nguồn gốc rõ ràng

Nhu cầu khách hỏi mua rất nhiều, lượng hàng hiện có ở các nhà thuốc không đủ để đáp ứng nhu cầu cho thị trường. Nhiều nhà thuốc cho hay, thay vì mua 1 - 2 bộ kit xét nghiệm nhanh như thời điểm trước Tết Nguyên đán 2022 thì bây giờ, bình quân mỗi khách mua 3 bộ kit, thậm chí có người hỏi mua 7 - 10 bộ. Dược sĩ Thái Thị Thu Thùy, nhân viên nhà thuốc Hòa Bình 2 (đường Lê Thánh Tông, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, khách đến mua kit xét nghiệm nhanh và vật tư phòng, chống dịch tăng gấp đôi so với thời điểm trước Tết.

 

Hiện một bộ kít xét nghiệm nhanh bằng dịch mũi xuất xứ từ Pháp, Đức có giá 70.000  - 80.000 đồng. Khẩu trang y tế có giá 50.000 - 75.000 đồng/hộp (tùy loại). Đối với các loại nước sát khuẩn, nước rửa tay nằm ở mức giá từ 28.000 - 35.000 đồng/chai loại 250 ml, 65.000 đồng/chai 650 ml… Mức giá này được cho là vẫn ổn định so với thời điểm trước đây.

Nhiều người cho biết, họ mua kit xét nghiệm nhanh chủ yếu để dự phòng trong nhà, khi cần thiết thì mang ra tự kiểm tra bởi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Anh Nguyễn Công Quý (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, đặc thù công việc của anh phải tiếp xúc với nhiều người nên anh mua kit xét nghiệm nhanh để sẵn nhằm tự test cho bản thân, các thành viên trong gia đình và nhân viên nơi làm việc 3 ngày/lần. Thế nhưng, hiện nay các nhà thuốc chỉ bán nhiều nhất 3 bộ nên anh phải đi nhiều nơi mới “gom” đủ số lượng cần.

Dù thị trường rơi vào cảnh khan hàng tạm thời, nhưng nhiều người dân cho biết, họ mua kit xét nghiệm nhanh, khẩu trang y tế và các loại vitamin để dự phòng sẵn trong nhà và mua theo nhu cầu, hết đến đâu mua đến đó chứ không phải vì sợ hết hàng hay lo tình trạng “sốt giá”. Ông Võ Văn Hữu (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, nhà ông có hai người già và trẻ nhỏ đi học nên phải thường xuyên test nhanh để kiểm tra. Cứ vài ngày ông lại đi mua dụng cụ về tự test vì thấy việc làm này là cần thiết trong lúc này. 

Nhiều người dân ở TP. Buôn Ma Thuột đến các nhà thuốc để tìm mua kit xét nghiệm nhanh, vật tư phòng, chống dịch.

Nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, nâng giá bán các mặt hàng kit xét nghiệm nhanh, trang thiết bị, vật tư y tế trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 22/2, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra đột xuất 10 nhà thuốc, quầy thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị vật tư y tế trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Tại thời điểm kiểm tra, các đơn vị này không còn nhiều kit xét nghiệm nhanh để bán. Riêng các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, viên C sủi, các loại vitamin tăng sức đề kháng thì khá dồi dào, nguồn cung bảo đảm, giá giữ ổn định, sức mua đang tăng đột biến. Cùng với hoạt động kiểm tra, Cục QLTT cũng tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu các cơ sở kinh doanh, nhà thuốc ký cam kết thực hiện đúng giá niêm yết, bán hàng có nguồn gốc rõ ràng, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Theo Cục QLTT Đắk Lắk, hiện tại chưa phát hiện tình trạng các nhà thuốc "găm" hàng, cố tình đẩy giá bán lên cao đối với mặt hàng kit xét nghiệm nhanh cũng như các loại trang thiết bị vật tư y tế khác. Trong trường hợp phát hiện các nhà thuốc, doanh nghiệp cố tình vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm minh nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng địa phương.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.