Ba mối lo khi đô thị chống dịch
Đắk Lắk đang bước vào giai đoạn cam go chống dịch khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh mỗi ngày. Trong bối cảnh này, bắt đầu hiện hữu ba mối lo cần xử trí hợp lý để ngăn chặn từ đầu các nguy cơ “hậu dịch bệnh”. Đắk Lắk có thể rút ra những bài học thực tiễn đã xảy ra với các đô thị như: Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
Trách nhiệm cho chính quyền
Chuyện đã xảy ra ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hơn 1 năm qua không phải là đại dịch diễn biến phức tạp ra sao, mà lại là… người dân thờ ơ đến thế nào. Sự thật là trong những lúc cao điểm phòng, chống dịch, chính quyền tập trung vận động và đưa ra các giải pháp ngăn chặn, khống chế sự lây lan, đa phần người dân lại không nhận thức rõ vấn đề để chung tay vào cuộc.
Một số chuyên gia tư vấn chỉ ra, nguyên nhân là công tác truyền thông lệch hướng, làm đậm vai trò chính quyền các cấp, các công lệnh quy định, xử phạt có tính răn đe… khiến người dân nảy sinh tâm lý ỷ y, “đổ trách nhiệm cho chính quyền”. Không ít người dân tùy tiện không tuân thủ 5K với lý do “chống dịch đã có chính quyền”. Suy nghĩ này đã dẫn đến một giai đoạn dài, người dân gần như không hợp tác tiêm chủng vắc xin, thực hiện dịch tễ an toàn…
Cán bộ Trạm Y tế phường Ea Tam hướng dẫn F0 không triệu chứng đăng ký theo dõi sức khỏe, điều trị tại nhà. Ảnh: Kim Oanh |
Phải chăng đây cũng là thực trạng đáng quan tâm tại Đắk Lắk, khi chính quyền ra sức vận động phòng, chống dịch mà số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn tăng mỗi ngày. Từ việc nhỏ nhặt như người dân không chịu đeo khẩu trang khi tiếp xúc, đến cảnh tụ tập tiệc tùng, ca hát giải trí xảy ra liên tục, phổ biến, đều cho thấy một lượng lớn cư dân chưa thấu rõ trách nhiệm của mình. Điều này đòi hỏi địa phương phải rà soát và tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, vận động và tác động tích cực đến người dân về ý thức phòng, chống dịch.
Áp lực y tế cơ sở
Đối ngược lại thái độ thờ ơ là vấn đề người dân “quá sức quan tâm, nhạy cảm” với dịch bệnh, dẫn đến tình trạng thái quá trong phòng, chống, ngăn ngừa. Cụ thể về khâu tầm soát, xét nghiệm, hiện nay khi các loại kit test đã phổ biến, bán đại trà, người dân tự đi mua thiết bị về, tự xử lý và tự “biến thành bác sĩ điều trị”. Điều này đương nhiên phù hợp chủ trương chung đưa các trường hợp bệnh nhân F0 về điều trị tại nhà, song lại phát sinh các sự cố khi người dân không khai báo y tế, không dựa vào lực lượng y tế cơ sở để có hỗ trợ giải pháp dịch tễ hiệu quả.
Hệ lụy của tình hình là nhà nhà đi mua que test, người người tự có bài thuốc chăm sóc sức khỏe. Sự pha tạp này tạo nên cảnh nhốn nháo khó kiểm soát ở cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm chéo tăng mạnh trong từng gia đình, từng nhóm cư dân, rất khó khống chế. Bên cạnh việc chi phí xã hội tiêu tốn nhiều hơn, áp lực cho mỗi gia đình, chính đội ngũ y tế cơ sở cũng bị áp lực nặng nề, vì vừa không kiểm soát tốt được địa bàn, vừa phải đối mặt nhiều ca trở nặng do… tự chữa bất thành. Khuyến cáo của ngành y tế, cần gia tăng nhắc nhở người dân không nên chủ quan tự chữa bệnh không có tư vấn bác sĩ, tránh xảy ra những trường hợp bệnh trở nặng quá mức mới báo cho y tế thì đã muộn, như một số sự vụ đáng tiếc từng xảy ra tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…
Rác thải y tế gia tăng
Mối lo thứ ba nằm ở ngay hành vi tham gia phòng, chống dịch của người dân, và khả năng còn hạn chế của các cấp quản lý, là xử lý rác thải y tế. Đây không còn là chuyện nhỏ, đơn giản nữa, mà đã đến lúc các cấp chính quyền phải tập trung chú ý để xử lý, ngăn chặn.
Ai cũng biết khi dịch bệnh lan rộng, yêu cầu dịch tễ tăng lên cũng là một lượng rất lớn các loại khẩu trang y tế, thiết bị y tế như băng gạc, kim tiêm, que test… sẽ xuất hiện trong các khu vực dân cư. Do không có khuyến cáo và chưa hề phân loại nên các dạng rác thải y tế có nguy cơ chứa các mầm dịch bệnh này đều đổ chung vào mạng lưới thu gom rác thải sinh hoạt. Nguy hiểm hơn, tâm lý người dân đề cao các phương tiện, dụng cụ thiết bị chuyên dụng của ngành y tế hơn là sử dụng các sản phẩm sinh hoạt thay thế, nên vấn đề xử lý rác thải không còn ở phạm vi rác thải sinh hoạt đơn thuần nữa.
Đơn cử như khẩu trang y tế, dù ngành y tế khuyến cáo có thể sử dụng các loại khẩu trang vải tái sử dụng được để ngăn ngừa lây lan mức độ thấp, song đến nay đa số người dân do lo lắng chỉ thuần dùng khẩu trang y tế chất lượng. Nhiều người dân lại chuộng các loại khẩu trang nhựa, mặt nạ chống giọt bắn bằng nhựa trong suốt… nên khối lượng rác thải nhựa này tăng lên rất nhiều. Các loại que test kháng thể, ống tiêm nhựa, bao bì nilon không tự phân hủy… cũng đang tăng lên gấp bội trong rác thải của mỗi gia đình. Nếu không sớm được cảnh báo và không có giải pháp xử lý ngọn nguồn, đây sẽ là một nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến môi trường và xã hội.
Thật sự ba mối lo này, đang rất cần chính quyền và người dân cùng quan tâm.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc