Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình phụ nữ tiết kiệm góp vốn xoay vòng

08:10, 18/03/2022

Thời gian qua, Chi hội phụ nữ thôn Xóm Huế (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) đã triển khai hiệu quả mô hình phụ nữ tiết kiệm, góp vốn xoay vòng. Mô hình không chỉ giúp nhiều phụ nữ khó khăn có vốn đầu tư sản xuất, xóa đói giảm nghèo mà còn phát huy tinh thần tương thân tương ái trong hội viên phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Xóm Huế cho biết, mô hình được triển khai từ năm 2017. Ban đầu Chi hội Xóm Huế có 90 thành viên tham gia, mỗi hội viên đóng 100.000 đồng/năm, nguồn quỹ góp vốn ban đầu là 9 triệu đồng. Đến nay Chi hội có 114 hội viên tham gia với mức đóng góp mỗi năm tăng từ 100.000 – 300.000 đồng/hội viên, hiện nguồn quỹ do các chị em đóng góp được là 153 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này đã tạo điều kiện cho 37 chị em vay để mua cây, con giống, đầu tư phát triển kinh tế, trong đó có trên 20 hội viên thoát được nghèo.

Nhờ nguồn vốn vay từ mô hình, gia đình bà Phạm Thị Cừ đã đầu tư chăn nuôi bò.

Gia đình chị Ngô Thị Thúy là một trong số hội viên phụ nữ đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay xoay vòng và vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2017 đến nay chị Thúy được Chi hội tạo điều kiện cho vay vốn 9 lần, mỗi lần từ 1 - 5 triệu đồng để đầu tư nuôi heo. Hiện đàn heo của gia đình chị có 19 con, trong đó có 2 heo nái, 17 con heo thương phẩm. Ngoài ra chị Thúy còn nấu rượu và chăn nuôi thêm gà, vịt. Nhờ sự trợ giúp kịp thời của nguồn vốn do chị em tiết kiệm cùng với nỗ lực của bản thân, năm 2021 gia đình chị đã thoát nghèo.

Cũng như gia đình chị Thúy, trước đây gia đình bà Nguyễn Thị Cừ cũng rất khó khăn. Từ khi tham gia mô hình phụ nữ tiết kiệm góp vốn xoay vòng, bà đã biết tiết kiệm, tính toán và quản lý chi tiêu trong gia đình, được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất. Bà Cừ được các chị em trong Chi hội tạo điều kiện cho vay vốn nhiều lần để đầu tư nuôi bò sinh sản, chim bồ câu, gà, vịt và đào ao thả cá. Cùng với số vốn vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình bà đã đầu tư cải tạo 3 sào cà phê. Đến nay gia đình bà Cừ đã có nguồn thu ổn định, thoát khỏi hộ nghèo.

Vy Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.