Người lưu giữ ký ức xưa
Mê đắm những món đồ xưa cũ lưu giữ nhiều kỷ niệm, anh Lê Đắc Sơn (SN 1976, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã dành nhiều thời gian, công sức sưu tầm. Với anh, mỗi món đồ trường tồn theo thời gian đều có câu chuyện và anh mong muốn chia sẻ với những người có cùng đam mê.
Ngắm bộ sưu tập đồ xưa cũ phủ màu thời gian của anh Lê Đắc Sơn, người xem như được sống lại với những ký ức tuổi thơ của mình. Chiếc bàn là hình con gà từng là “cứu cánh” của nhiều học trò khi quần áo đi học ẩm ướt vào mùa mưa; chiếc nồi đồng gợi nhớ đến cơm cháy - "miếng ăn vương giả" của con nhà nghèo; hay máy bào đá thô sơ lưu giữ kỷ niệm đẹp của tuổi học trò với món đá bào si rô huyền thoại…
Anh Sơn cho biết, anh bắt đầu sưu tập đồ xưa cũ từ hồi học cấp hai. Thời ấy, anh còn sống ở Huế. Nhìn chiếc mâm làm bằng chất liệu đồng do ông bà để lại cứ bền theo thời gian, nhắc nhớ bao kỷ niệm đẹp của gia đình bên những bữa cơm sum họp, anh Sơn rất trân quý. Từ đó, anh có ý tưởng sưu tầm thêm nhiều món đồ khác cho phong phú. Sau giờ lên lớp, anh Sơn lại đến các điểm phế liệu để sưu tầm những món đồ xưa cũ. Cứ thế, bộ sưu tập của anh càng nhiều theo thời gian. Có những món đồ được sản xuất từ 30 - 70 năm, thậm chí cả 100 năm về trước.
Anh Sơn với bộ sưu tập quẹt lửa. |
Đam mê sưu tầm đồ xưa cũ theo anh từ thuở nhỏ cho đến lúc trưởng thành, đi làm. Kiếm được bao nhiêu tiền, anh lại dồn vào công cuộc "lưu giữ ký ức xưa". “Đồ vật có giá trị hay không phụ thuộc vào suy nghĩ của từng người. Với tôi, mỗi món đồ là một câu chuyện và giá trị riêng. Nó như có ma lực, hấp dẫn tôi bằng những vết sờn, cũ kỹ của thời gian. Sưu tầm được món đồ nào, tôi thường tìm hiểu sâu về nguồn gốc, xuất xứ của chúng”, anh Sơn tâm sự.
Trong bộ sưu tập đồ xưa cũ của anh Sơn, điểm thu hút nhiều người xem có lẽ là hàng trăm chiếc quẹt lửa với đủ hình thù, màu sắc, cách sử dụng khác nhau và hầu như mỗi loại chỉ có 1 chiếc. Anh Sơn chia sẻ, có những chiếc quẹt thời xưa được làm thô sơ, phía trên đầu quẹt được gắn sợi dây để giật, tạo ra lửa. Cũng có loại quẹt được chế tác công phu như Zippo - được xem như vật làm nên phong cách đàn ông, là món hàng xa xỉ mà chỉ có những người nhiều tiền mới mua và sử dụng. Để có được bộ sưu tập quẹt lửa này, anh Sơn cho hay, ngoài thời gian, công sức, tiền bạc, cần có kiến thức để phân biệt hàng thật, hàng giả. Đặc biệt, với người sưu tầm, chữ "duyên" rất quan trọng để sở hữu những món đồ giá trị, quý hiếm.
Về sau, anh Sơn vào Đắk Lắk lập nghiệp. Tại đây, anh có cơ hội sưu tầm thêm nhiều món đồ có giá trị của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như trống, cồng chiêng, chóe, nồi đồng… Để làm phong phú thêm bộ sưu tập lưu giữ ký ức của mình, anh còn trao đổi với những người bạn cùng chung sở thích ở khắp nơi trên cả nước. Hơn 30 năm tìm lại ký ức xưa, anh Sơn vẫn không có ý định dừng lại. Với anh, việc sưu tầm vật xưa cũ không chỉ là thú chơi đơn thuần giữa cuộc sống xô bồ hiện đại mà nó còn giúp anh có thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa của con người qua từng thời kỳ.
Cẩm Anh
Ý kiến bạn đọc