Multimedia Đọc Báo in

Nhìn lại các phong trào nữ quyền

15:44, 23/03/2022

Lịch sử Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 được biết nhiều với phong trào của nữ công nhân Mỹ đấu tranh phản đối điều kiện làm việc khó khăn vào cuối thế kỷ 18, sau đó là các phong trào đấu tranh của phụ nữ ở nhiều quốc gia đòi quyền bầu cử vào đầu thế kỷ 19.

Tuy nhiên, nhìn lại các phong trào nữ quyền, chúng ta sẽ thấy, trong những điều kiện khác nhau, ở những bối cảnh khác nhau, mục tiêu và nội dung các hoạt động của phong trào nữ quyền sẽ rất khác nhau.

Theo cách hiểu rộng nhất, phong trào nữ quyền bao gồm tất cả những quan điểm liên quan đến mục tiêu khẳng định vị thế và vai trò của phụ nữ trong xã hội, trong mối tương quan với nam giới. Đồng thời, các phong trào nữ quyền hướng tới việc sửa đổi các yếu tố thuộc cơ cấu xã hội gây cản trở cho những mục tiêu đó.

Vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, các phong trào nữ quyền đã đạt được mục tiêu đấu tranh giành quyền bầu cử cùng các quyền lợi chính trị khác cho người phụ nữ tại một số quốc gia châu Âu và Mỹ. Trong giai đoạn này, có phong trào nữ quyền tự do đòi quyền bầu cử cho phụ nữ và phong trào nữ quyền xã hội chủ nghĩa chủ trương đòi quyền bình đẳng cho cả nam, nữ.

Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ 20, sau khi thế chiến thứ nhất và thứ hai kết thúc, các nhà hoạt động nữ quyền cho rằng, cần có nhiều phân tích hơn để thấy rõ vị thế thực sự của nữ giới cũng như bản chất của những sự đàn áp phụ nữ. Bởi vì khi đó, xã hội cổ vũ cho việc phụ nữ trở lại vai trò làm vợ và làm mẹ trong gia đình nhằm khắc phục những hậu quả sau chiến tranh. Đồng thời, các phong trào chống chế độ, chống kỳ thị chủng tộc, chống chiến tranh đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, các phong trào nữ quyền lúc này nỗ lực có những hoạt động mang tính học thuật hơn với mục tiêu đạt được sự bình đẳng xã hội. Các hoạt động không chỉ ở các nước như Anh và Mỹ, mà còn ở các quốc gia thuộc châu Á và châu Phi - những nơi đang có chiến tranh và chịu đô hộ của chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Trong giai đoạn này, có bốn phong trào nữ quyền với những quan điểm và cách đấu tranh khác nhau. Thứ nhất là phong trào nữ quyền tự do với khẳng định rằng, chính chế độ gia trưởng là nguyên nhân khiến nền dân chủ tự do đích thực khó đạt được. Họ tìm cách phá bỏ những rào cản khiến người phụ nữ không có được quyền trong các lĩnh vực  kinh tế, chính trị, dân sự một cách đầy đủ và hợp pháp. Vì vậy, phong trào nữ quyền tự do đề xuất những điều khoản luật pháp nhằm đảm bảo cho phụ nữ được trả lương cân xứng, được đảm nhận những vai trò mà trước đây phụ nữ không được đảm nhận. Đồng thời, phong trào nữ quyền tự do yêu cầu phụ nữ được bảo đảm quyền riêng tư cá nhân, đặc biệt quyền tự quyết trên thân thể bao gồm cả quyền mang thai. Thứ hai là phong trào nữ quyền văn hóa nhấn mạnh vị thế luân lý vượt trội của người phụ nữ so với người đàn ông khi mà họ được sinh ra với thiên chức làm mẹ, để rồi từ đó khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội đó là giúp xã hội nên tốt đẹp và nhân bản hơn. Phong trào nữ quyền văn hóa khẳng định, sự khác biệt giữa phái nam và phái nữ là để bổ sung cho nhau chứ không phải là nguyên nhân cho tình trạng lệ thuộc của phụ nữ. Thứ ba là phong trào nữ quyền triệt để với mục tiêu cổ vũ xóa bỏ chế độ gia trưởng bằng cách khẳng định rằng, chế độ gia trưởng đang tìm cách thống trị phụ nữ bằng việc tước quyền tự ý quyết định và dùng phụ nữ như đồ vật hưởng thụ. Thứ tư là phong trào nữ quyền chủ nghĩa xã hội đồng tình với quan điểm của phong trào nữ quyền triệt để trong việc khẳng định chế độ gia trưởng chính là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống con người. Tuy nhiên, phong trào nữ quyền chủ nghĩa xã hội cho rằng, nỗ lực kiến tạo một xã hội riêng biệt trong đó phụ nữ giữ vai trò chính là một nỗ lực khó có thể thực hiện được. Vì vậy, các nhà hoạt động trong phong trào nữ quyền chủ nghĩa xã hội đặt những người phụ nữ bị áp bức vào chung với tầng lớp lao động bị bóc lột, cố gắng nối kết việc phụ nữ bị trả lương không cân xứng với các vấn đề chính trị và kinh tế.

Cho tới những năm 1980, 1990 thì xuất hiện nhiều quan điểm chỉ ra rằng, đang có những khác biệt giữa phụ nữ da trắng và phụ nữ da đen cũng như phụ nữ các màu da khác. Vì thế, phong trào nữ quyền ở giai đoạn này quan tâm chủ yếu tới những khác biệt về chủng tộc, giai cấp, điều kiện sống của những phụ nữ này với phụ nữ khác. Họ tập trung phân tích vấn đề bất bình đẳng giữa các nhóm phụ nữ từ góc độ chủng tộc, dân tộc, giai cấp, với quan điểm “không phải tất cả phụ nữ đều đau khổ như nhau”. Trong giai đoạn này, cũng xuất hiện các nhà nữ quyền sinh thái với mục tiêu tìm cách chấm dứt việc khai thác cạn kiệt thế giới tự nhiên cũng như các giống loài đang sinh sống trong đó. Các nhà nữ quyền sinh thái tập trung chú ý vào mối liên hệ giữa việc thống trị phụ nữ với những hình thức thống trị xã hội khác, cùng việc khai thác cạn kiệt thiên nhiên với lập luận rằng sự thống trị con người và sự thống trị thiên nhiên có mối liên kết chặt chẽ và giúp củng cố cho nhau.

Cho tới nay, các nhà hoạt động nữ quyền đang nỗ lực hướng tới mục tiêu “giải phóng giới tính”,  chống lại các hình ảnh rập khuôn về phụ nữ.

Việc nhìn lại lịch sử các phong trào nữ quyền cùng việc hiểu nền tảng xã hội của các hoạt động nữ quyền sẽ giúp chúng ta có cái nhìn hệ thống hơn về phong trào này cũng như có cách tiếp cận rõ hơn khi xác định các hoạt động nữ quyền trong bối cảnh hiện nay.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc