Multimedia Đọc Báo in

Sức trẻ trên quê hương 10/3

06:09, 10/03/2022

Tiếp bước các thế hệ đi trước, những năm qua, tuổi trẻ TP. Buôn Ma Thuột luôn phát huy vai trò xung kích, tiền phong, gương mẫu, không ngừng rèn luyện, học tập chung tay góp sức dựng xây quê hương 10/3 ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Tiên phong hoạt động vì cộng đồng

Trong đợt dịch lần thứ tư, vào thời điểm TP. Buôn Ma Thuột trở thành tâm dịch buộc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, chị Lê Thị Hồng Nhung, Bí thư Đoàn phường Thành Nhất đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn phát huy vai trò trách nhiệm xung kích tình nguyện vì cộng đồng.

Tham gia công tác Đoàn tại địa phương từ những năm ngồi trên ghế nhà trường, ước mơ được đứng vào hàng ngũ của Đảng luôn thôi thúc chị Nhung rèn luyện và không ngừng nỗ lực tham gia các phong trào do đoàn thanh niên tổ chức. Với những nỗ lực của bản thân, chị Nhung đã vinh dự được kết nạp Đảng vào năm 2015.

Thanh niên TP. Buôn Ma Thuột hăng hái lên đường nhập ngũ. Ảnh: Quỳnh Anh

Năm 2016, chị Nhung làm Phó Bí thư Đoàn phường và được bầu giữ chức Bí thư Đoàn phường vào năm 2021. Ở cương vị mới, ngoài công tác chuyên môn, nữ đảng viên trẻ được tiếp nhận nhiệm vụ chưa có tiền lệ đó là tham gia hỗ trợ các lực lượng nòng cốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chồng thường xuyên công tác xa nhà, một mình nuôi con nhỏ, nhưng khi được cấp trên giao nhiệm vụ, chị Nhung quyết định gửi con cho bố mẹ chăm sóc, tình nguyện tham gia hỗ trợ tại các khu vực phong tỏa, cách ly. Dẫu biết môi trường làm việc đó có nguy cơ lây nhiễm cao và cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải xa con trong thời gian dài nhưng chị vẫn xung phong đảm nhận.

Ngay sau khi UBND TP. Buôn Ma Thuột ban hành kế hoạch thành lập 7 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố, chị Nhung tham gia lượng trực chốt tại buôn Ky trong khoảng thời gian từ 19 giờ đến nửa đêm, có khi từ nửa đêm đến sáng hôm sau. Ngoài ra, nữ đảng viên trẻ còn thực hiện tham gia tổ truy vết F0, trực chốt phong tỏa ở khu dân cư, tham gia nấu cơm cho các lực lượng trực chốt và nấu các suất ăn đêm cho y bác sĩ ở Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, khu cách ly tập trung tại Trường Dân tộc nội trú…

Theo chia sẻ của chị Nhung, quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng gặp không ít khó khăn vì người dân tâm lý rất hoang mang nên mỗi khi truy vết để hỏi được lịch trình cụ thể rất khó. Khi đó, chị phải trao đổi nhẹ nhàng, giải thích cho người dân hiểu để phối hợp tốt với các lực lượng giúp công tác truy vết được nhanh, kịp thời, chính xác.

“Áp lực công việc cao, lại phải mặc trang phục bảo hộ y tế nhiều giờ khiến ai cũng mỏi mệt. Chưa kể trong quá trình tuyên truyền về tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhiều người chưa hiểu đúng vấn đề, cho rằng bị gây khó khăn, chúng tôi lại càng phải mềm mỏng giải thích để bà con hiểu những chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước tất cả vì mục tiêu cao nhất ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe của nhân dân”, chị Nhung chia sẻ.

Phát huy vai trò thủ lĩnh Đoàn, chị Nhung cũng đã làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên, các chương trình an sinh xã hội, thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng thông qua các hoạt động về nguồn, vận động các nhà hảo tâm đóng góp nhu yếu phẩm, cây con giống cho người dân nghèo có kế sinh nhai. Mới đây, được sự hỗ trợ của Thành Đoàn Buôn Ma Thuột và các nhà hảo tâm, Đoàn phường cũng đã giúp một hộ nghèo tại địa phương nhận được 1 con dê cái và một cặp dê đực phát triển kinh tế, ngoài ra còn hỗ trợ toàn bộ ngày công sửa chữa nhà ở cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hường trị giá 30 triệu đồng…

Chị Lê Thị Hồng Nhung, Bí thư Đoàn phường Thành Nhất hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế.

Xung kích phát triển kinh tế

Cũng như chị Lê Thị Hồng Nhung, nhờ những nỗ lực của bản thân, anh Trần Văn Linh (SN 1996), Bí thư Chi đoàn, Tổ trưởng tổ dân phố 2, phường Khánh Xuân cũng vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 20 tuổi.

Nhận thức được vai trò, trọng trách của một đảng viên trẻ, đoàn viên, trong suốt quá trình hoạt động Đoàn, anh Linh luôn nhiệt huyết trách nhiệm với những nhiệm vụ được giao. Không chỉ là Bí thư Chi đoàn năng nổ, anh Linh còn phát huy vai trò xung kích phát triển kinh tế.

Kế thừa kinh nghiệm nghề làm miến, phở khô của gia đình, anh Linh tìm tòi, học hỏi cách làm miến, phở sạch để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu tại địa phương. Ngay từ khi bắt tay vào công việc, anh Linh đã đặt ra cho mình những nguyên tắc trong sản xuất, kinh doanh như: không dùng chất phụ gia tẩy rửa, không dùng chất làm dai, giòn; tuyển chọn kỹ lưỡng từ khâu nguyên liệu, nước đến môi trường phơi… Ngoài ra, anh cũng mạnh dạn đầu tư khu nhà sấy còn có chức năng che mưa, ngăn côn trùng và hạn chế các vi sinh vật bên ngoài xâm nhập; giảm công lao động phải di chuyển sản phẩm trong mùa mưa bão. Uy tín, chất lượng làm nên thương hiệu, hiện tại, trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất của gia đình Linh đưa ra thị trường từ 2- 5 tấn sản phẩm, cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm.

Trần Văn Linh, Bí thư Chi đoàn, Tổ trưởng tổ dân phố 2, phường Khánh Xuân kiểm tra sản phẩm miến gạo của gia đình. 

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên dự định đầu tư lắp đặt thêm máy móc hiện đại hơn và mở rộng khu nhà sấy của gia đình hiện đang phải tạm gác lại, tuy nhiên tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tạo việc làm cho lao động tại chỗ là đoàn viên thanh niên trên địa bàn vươn lên ổn định cuộc sống”, anh Linh cho hay.

Theo đánh giá của chị H’Hương Bkrông, Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN thành phố Buôn Ma Thuột, những năm qua lực lượng đoàn viên thanh niên là đảng viên trẻ dù ở vai trò, vị trí công tác nào cũng đều phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong các phong trào, hoạt động nhất là trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Qua đó, thể hiện sự tri ân với những thế hệ đi trước, khẳng định bản lĩnh và vai trò của thế hệ trẻ trên quê hương 10-3 anh hùng. 

Phạm Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.