Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng cô giáo vùng sâu

06:27, 09/03/2022

Ở xã vùng sâu Ea M’droh (huyện Cư M’gar), có những cô giáo không quản ngại vất vả, ngày đêm bám lớp, bám trường, nỗ lực tất cả vì học trò thân yêu.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Khuyên, giáo viên Ngữ văn (Trường THCS Ngô Mây) vẫn luôn cần mẫn, tận tụy trên hành trình "gieo" chữ. Nhà ở TP. Buôn Ma Thuột, cách trường hơn 40 km nhưng cô vẫn đều đặn đến lớp đúng giờ, có những hôm xong việc muộn thì phải ở lại nhà công vụ của trường. Cô Khuyên chia sẻ, từ lúc còn là sinh viên đã tham gia nhiều lớp dạy tình nguyện và tìm thấy niềm vui từ những trò nhỏ đáng yêu. Đến nay, cô vẫn gắn bó với bục giảng không chỉ vì công việc mưu sinh mà hơn hết đó là niềm đam mê, sự nhiệt huyết với nghề mình đã chọn.

Cô Nguyễn Thị Khuyên trao phần quà "Tiếp sức đường dài" cho học sinh.

Công tác tại xã Ea M’droh, cảm thông với những thiệt thòi, thiếu thốn của học sinh nơi đây, tình yêu nghề, mến trẻ cứ thế lớn dần lên và cô ngày càng gắn bó với các em. Năm 2019, khi ở địa phương tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức miễn phí cho trẻ em nghèo với tên gọi “Lớp học yêu thương”, cô Khuyên đã đăng ký làm giáo viên tình nguyện đứng lớp. “Mỗi tuần mình dành khoảng 2 buổi tối dạy học cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn giúp các em tiến bộ hơn trong học tập, qua đó động viên các em không vì học yếu mà dẫn tới chán nản, bỏ học”, cô tâm sự.

Năm 2021, trong thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, việc giảng dạy trực tiếp tại “Lớp học yêu thương” bị gián đoạn, cô dành thời gian tổ chức ôn tập kiến thức môn Ngữ văn miễn phí cho học sinh cuối cấp chuẩn bị thi vào lớp 10 có nhu cầu theo hình thức online. Đặc biệt, khi chương trình “Tiếp sức đường dài” (hỗ trợ tiền mặt hoặc nhu yếu phẩm hằng tháng cho học sinh nghèo) được triển khai tại trường, cô Khuyên đã tìm hiểu hoàn cảnh và trích tiền lương nhận “tiếp sức” cho một học sinh của mình. Đối với cô, phần thưởng quý giá nhất trong quá trình giảng dạy là thấy học sinh đi học đầy đủ và tiến bộ lên từng ngày.

Nhiều năm qua, cô Vũ Thị Nhung (Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân) vẫn miệt mài với các hoạt động hỗ trợ giáo dục cho học sinh. Trường có tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số cao, cứ vào đầu năm học, cô Nhung cùng các giáo viên tại địa bàn lặn lội đến tận nhà vận động học sinh đến trường. Khi trường chuyển sang học trực tuyến do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện trang bị phương tiện để học, cô Nhung lại tìm đến tận nhà từng em, có khi ở những buôn làng xa xôi, hẻo lánh để giao, thu bài tập. Cô cũng tận tình hướng dẫn trực tiếp cho các em những bài khó và nhờ phụ huynh kèm cặp trong thời gian này. Có những hôm đi giao bài về đến nhà thì trời đã tối mịt. Dẫu vậy cô vẫn đều đặn đến nhà giúp học trò có thể tiếp thu hiệu quả kiến thức.

Cô Vũ Thị Nhung trong chương trình "Lì xì sách cho thiếu nhi".

Bên cạnh giảng dạy ở trường, cô Nhung còn tham gia nhiều hoạt động chăm lo cho học sinh như: vận động sách giáo khoa, tô điểm cho trường học vùng sâu, lì xì sách cho thiếu nhi đầu năm mới… Cô cũng là người gắn bó với “Lớp học yêu thương” tại xã Ea M’droh từ những ngày đầu mở lớp, hằng tối đến dạy miễn phí cho các em. Điều đọng lại trong cô là những kỷ niệm đẹp đáng quý, những trải nghiệm thú vị và xúc cảm đặc biệt mà đối với cô nếu không tận tâm cống hiến sẽ không bao giờ có được. “Mình vẫn nhớ năm đầu tiên tham gia dạy tại “Lớp học yêu thương”, nhà cách trường hơn 7 km, con trai nhỏ mới 9 tháng tuổi, mỗi tối đến buổi dạy mình lại tất tả gửi con cho bà ngoại để đến lớp. Lúc ấy chỉ mong sao các em có thể đỡ vất vả hơn trên hành trình đi tìm con chữ. Điều khiến bản thân cảm thấy vui và hạnh phúc là có những học sinh bị khiếm khuyết, chậm tiếp thu hơn các bạn cùng trang lứa, thế nhưng khi tham gia lớp đã hứng thú hơn với việc học, xung phong phát biểu và có nhiều tiến bộ trong học tập”, cô Nhung trải lòng.

Cứ thế, hành trình "gieo" chữ, gieo yêu thương của cô Khuyên, cô Nhung và nhiều giáo viên khác ở xã Ea M’droh ngày càng được nối dài bởi tình thương, lòng nhiệt thành và sự tận tụy. Họ như những “người lái đò” thầm lặng, chuyên chở các em học sinh thân yêu của mình đến với bến bờ tri thức.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.